Trách nhiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam trong việc quản lý nợ

Trách nhiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam trong việc quản lý nợ được quy định như thế nào? Bạn đọc Hoài An, địa chỉ mail hoaian****@gmail.com hỏi: Chào mọi người, em có một vấn đề hi vọng được các anh chị trong Thư ký luật giải đáp. Em rất quan tâm tới các quy định về quản lý tài sản của DATC - Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam. Do một số liên quan trong công việc nên em cũng có tìm hiểu sơ qua các quy định pháp luật về vấn đề này. Cho em hỏi: Trách nhiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam trong việc quản lý nợ được quy định như thế nào? Em xin cảm ơn!

Trách nhiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam trong việc quản lý nợ được quy định tại Điều 13 Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 134/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, theo đó:

1. Công ty có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ theo quy định hiện hành (bao gồm nợ phải thu trong đó gồm cả các khoản nợ mua, nợ tiếp nhận; nợ phải trả); phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ theo Điều lệ hoạt động, Quy chế này và các quy định có liên quan.

2. Mở sổ theo dõi, hạch toán, thanh toán các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; nợ phải thu, nợ phải trả (gồm cả các khoản lãi phải thu, phải trả) thường xuyên phân loại các khoản nợ theo tuổi nợ (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi); theo tính chất khoản nợ (nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, nợ vay ưu đãi, vay thương mại, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ (bao gồm cả các khoản nợ phải thu, phải trả phát sinh theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ));

3. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán, đôn đốc thu hồi nợ, không để phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, nợ phải thu không có khả năng thu hồi; định kỳ đối chiếu công nợ.

4. DATC có trách nhiệm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.

5. Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ, DATC phải mở sổ theo dõi nguyên tệ (bao gồm cả gốc và lãi), quy đổi ra đồng Việt Nam (VNĐ), đánh giá lại và xử lý chênh lệch tỷ giá theo quy định.

6. Đối với các phương án mua nợ phải lập hồ sơ riêng để theo dõi, quản lý ngoài bảng cân đối kế toán giá trị khoản nợ gốc làm cơ sở để theo dõi, đối chiếu khoản nợ theo sổ sách với khách nợ và đánh giá hiệu quả của phương án; Đối với các khoản nợ tiếp nhận, DATC có trách nhiệm theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán, quản lý phù hợp với tính chất và thời gian các khoản nợ tiếp nhận để theo dõi xử lý.

7. Đối với nợ mua theo chỉ định, nợ tiếp nhận theo chỉ định, nợ phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định, DATC có trách nhiệm xây dựng phương án đảm bảo phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. DATC thực hiện theo dõi, hạch toán riêng làm cơ sở để xác định kết quả việc thực hiện nhiệm vụ.

8. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phát sinh nợ quá hạn thanh toán, nợ không có khả năng thu hồi DATC có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

9. Nợ phải thu (không bao gồm nợ phải thu phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) không có khả năng thu hồi, DATC phải xác định rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Đối với nguyên nhân chủ quan, DATC có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Đối với nguyên nhân khách quan, Hội đồng thành viên, Ban điều hành và các phòng ban có liên quan phải xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xác nhận; nếu xác định các khoản nợ này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi; nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của Công ty.

10. Nợ không có khả năng thu hồi sau khi đã xử lý theo quy định, DATC vẫn phải theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và có các biện pháp để thu hồi nợ, nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, DATC được hạch toán vào thu nhập khác.

11. Xây dựng kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền đảm bảo trả nợ; Thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết; Quản lý và điều hành bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ (không bao gồm nợ phải trả phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền); có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; trường hợp không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 06 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định; Trường hợp không xử lý kịp thời dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

12. Khi DATC có khả năng không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả thì Tổng giám đốc phải báo cáo Hội đồng thành viên tìm biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính và thông báo tình hình tài chính của DATC cho tất cả chủ nợ biết. Trong trường hợp này, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc DATC không được quyết định tăng tiền lương, không được trích lợi nhuận và chi tiền thưởng cho cán bộ quản lý và người lao động của DATC. Riêng đối với các khoản nợ phải trả phát sinh khi DATC thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, DATC có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp không đảm bảo khả năng thanh toán nợ đến hạn để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, có biện pháp xử lý.

13. DATC được phép loại trừ các khoản nợ phải thu, phải trả khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền để đánh giá, giám sát đầu tư vốn Nhà nước, giám sát tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DATC.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam trong việc quản lý nợ, được quy định tại Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 134/2016/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công ty trách nhiệm hữu hạn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào