Quấy rầy chồng cũ có phạm tội?
1.Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 7 Luật thi hành án dân sự 2008, người được thi hành án có quyền : “Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này”.
Bên cạnh đó, cũng tại điểm đ khoản 1 điều này quy định về quyền khác của người được thi hành án : “Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;”
Như vậy, đối với trường hợp này bạn không nói rõ hoặc không biết rõ liệu thời điểm vợ cũ của bạn nộp đơn yêu cầu thi hành án cô ấy có cung cấp các tài liệu để chứng minh cho yêu cầu hay không. Bởi việc cung cấp thông tin là quyền, chứ không phải nghĩa vụ của người được thi hành án.
Giả sử vợ cũ của bạn không cung cấp và không được cơ quan Thi hành án yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh điều kiện thi hành án thì cô ấy không phải chịu trách nhiệm về hành vi yêu cầu đó.
Giả sử vợ cũ của bạn không cung cấp thông tin khi được yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì theo quy định tại Khoản 36 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, sửa đổi điểm d khoản 3 điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính Phủ thì “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng;”
Căn cứ điểm đ khoản 2 điều 65 Nghị định 110/2013 thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt nếu có hành vi vi phạm trên là : “ Thẩm tra viên, thư ký, chuyên viên cơ quan Thi hành án dân sự”, bởi vậy bạn có thể thông báo hoặc tố giác hành vi vi phạm hành chính đến cơ quan này để ra quyết định xử phạt nếu có đủ cơ sở.
2. Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự 2008, người phải thi hành có quyền “Được thông báo về thi hành án”.
Căn cứ khoản 4 điều 20 Luật Thi hành án dân sự 2008, thì chấp hành viên có trách nhiệm phải : “Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.”
Căn cứ khoản 7 điều 21 Luật thi hành án dân sự 2008 về những điều chấp hành viên không được làm: “Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.”
Căn cứ Khoản 4 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008: “Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.”
Như vậy nếu dựa vào các căn cứ pháp lý nếu trên, nếu chứng minh được cơ quan thi hành án đã không làm đúng hoặc không làm đủ thủ tục xác minh, kiểm tra thông tin mà vội vàng ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án đã vi phạm pháp luật về mặt thủ tục và đã ra một quyết định thi hành án không có cơ sở. Đây là căn cứ để bạn khiếu nại hoặc khiếu kiện về quyết định này.
Mặt khác: Căn cứ vào Điều 39 Luật thi hành án dân sự 2008 về việc thông báo về thi hành án.
“1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết công khai;
c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.”
Bởi bạn không nói rõ việc cơ quan thi hành án đến thông báo về việc ra quyết định hay đến để yêu cầu thi hành quyết định nên có hai trường hợp.
Trường hợp chấp hành viên đến để thông báo về việc ra quyết định thi hành án thì đúng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chấp hành viên đến để yêu cầu thi hành án mà không có sự thông báo từ trước bằng văn bản gửi đến bạn, thông báo phải được thực hiện trong 03 ngày kể từ ngày ra văn bản thì chấp hành viên đã vi phạm pháp luật.
Bởi vậy đối với hành vi ra quyết định thi hành án: bạn có thể khiếu nại về việc cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án không có căn cứ và không thực hiện việc xác minh thông tin, chứng cứ đúng quy định của pháp luật.
Đối với hành vi đến cơ quan bạn: Bạn cần căn cứ vào thực tế đã xảy ra để xác định trường hợp của mình trong việc chấp hành viên đến cơ quan để có biết có thể thêm về hành vi đó của cơ quan thi hành án hay không?
3.Việc cơ quan thi hành án tiếp tục ra quyết định thi hành mà chưa xác minh cụ thể và rõ ràng ở lần tiếp theo có thể xử lý như lần thứ nhất. Bạn có thể tiếp tục khiếu nại hoặc khởi kiện về các quyết định và hành vi đó của cơ quan Thi hành án.
4.Căn cứ vào quy định tại Điều 10 Luật Thi hành án dân sự 2008: “Cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của Luật này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ điều 140 Luật Thi hành án dân sự 2008 về Quyền khiếu nại về thi hành án
“1. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên như sau:
a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định;
Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.
Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại.
Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.”
Như vậy, bạn xem xét về thời hạn cụ thể trên thực tế để xác định thời hiệu khiếu nại đối với quyết định của cơ quan thi hành án đó trên thực tế. Nếu vẫn còn thời hiệu khiếu nại bạn có thể khiếu nại về quyết định thi hành án tới cơ quan thi hành án đã ra quyết định đó hoặc có thể khiếu kiện về quyết định đó đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Cơ quan thi hành án có trụ sở căn cứ điều 7 Luật khiếu nại 2011.
Lưu ý : Nếu thời hiệu khiếu nại trên đã hết, bạn không có quyền khiếu nại nhưng vẫn có quyền khiếu kiện quyết định thi hành án tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan thi hành án có trụ sở để được giải quyết theo thủ tục Tố tụng hành chính.
Căn cứ Luật Tố tụng hành chính 2012 về giải quyết bồi thường trong vụ án hành chính, nếu quá trình khiếu nại, khiếu kiện chứng minh cơ quan Thi hành án đã ra quyết định thi hành án trái pháp luật và quyết định đó đã gây thiệt hại, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì bạn có quyền yêu cầu được bồi thường theo đúng quy định.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý trường hợp quấy rầy chồng cũ. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành án dân sự 2008 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật