Ném lựu đạn cay vào ngân hàng bị xử phạt thế nào?

Đầu giờ chiều ngày 2.11, anh Huỳnh Văn C. (40 tuổi, ngụ Quận 9, TP.HCM) đi xe máy đến giao dịch tại ngân hàng Quốc tế (VIB), đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM. Theo thông tin ban đầu, trong lúc khách hàng C. giao dịch vay vốn và được nhân viên ngân hàng hướng dẫn bổ sung thêm thủ tục (hợp đồng lao động) thì xảy ra cự cãi. Bất ngờ, anh này móc trong người ra 2 quả lựu đạn cay, ném thẳng xuống sàn tại phòng giao dịch, khiến khói túa ra nghi ngút, bao trùm. Vụ việc khiến hàng chục nhân viên và khách hàng bỏ chạy, gây cảnh hỗn loạn. Ngay sau khi gây ra vụ việc, đối tượng tung cửa, bỏ xe chạy bộ khỏi hiện trường. Vậy, hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào?

Hành vi của Huỳnh Văn C đã khiến hàng chục nhân viên và khách hàng của ngân hàng VIB hoảng sợ bỏ chạy, gây cảnh hỗn loạn. Hành vi này khiến Ngân hàng phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, liên tục ổn định của ngân hàng cũng như gây hoang mang cho khách hàng, đồng thời hành vi này đã gây mất trật tự, an ninh nơi công cộng. Lực lượng công an phường, cảnh sát hình sự Quận 9 đã đến hiện trường, phong toả, khám nghiệm để điều tra, truy bắt đối tượng.

Cũng theo Luật sư Cường , hành vi của Huỳnh Văn C. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì đã vi phạm trật tự nơi công cộng. Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xem xét xử lý về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Khoản 1, Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999.

Ở diễn biến có liên quan, theo gia đình Huỳnh Văn C thì anh ta có tiền sử bệnh tâm thần, đã từng được điều trị ổn định và hiện bệnh đang tái phát trở lại.

“Nếu có căn cứ chứng minh anh C thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nêu trên trong khi mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình do bệnh tâm thần tái phát, thì anh C sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Trường hợp này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với anh C.”

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào