Công ty không sắp xếp được việc làm, trả lương cho NLĐ thế nào?

Bạn L.D, địa chỉ email: dodolinhtu@xxx phản ánh: Cty chúng tôi đang làm là Cty CP với 51 % vốn tư nhân, 49% là nhà nước và người lao động. Trong 1 năm qua Cty không tìm được việc làm cho NLĐ khiến chúng tôi phải nghỉ chờ việc. Vậy cách tính lương chờ việc như thế nào? Lương cơ bản của chúng tôi là 1.150.000 đồng. Trong thời gian nghỉ chờ việc có được đóng BHYT không?

Theo Điều 98 Bộ luật lao động 2012 về tiền lương ngừng việc, trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Như vậy, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì bạn được trả đủ tiền lương. Nếu Cty phải cho bạn nghỉ chờ việc mới là do cơ cấu lại nhân sự - là yếu tố khách quan từ lý do kinh tế theo khoản 3 Điều 98 nêu trên. Việc Cty cho bạn nghỉ ngừng việc là lý khách quan về kinh tế. Chính vì thế mà tiền lương Cty trả cho bạn sẽ phụ thuộc vào việc thỏa thuận giữa 2 bên nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định. Bạn nên kiểm tra lại xem bạn ở vùng nào thì sẽ tương ứng với mức lương ở vùng đó.

 Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động

1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau:

a) Mức 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 2.700.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.


Ngoài ra, Điểm a, khoản 1, Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định: Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng.  Như vậy, trong thời gian chờ việc, cả người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải đóng bảo hiểm y tế.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào