Chuyển Bảo hiểm xã hội

Tôi có con đi làm ở một công ty ở Đà Nẵng. Công ty có nhiều nhân viên. Con tôi đi làm tiền lương được tính theo giờ nhưng không có BHYT, không được tham gia BHXH... Vậy một Công ty ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ) gián tiếp (đi dạy) thì có phải tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ không? Ngoài ra, vợ chồng đứa cháu tôi cùng làm công nhân một Công ty May ở TPHCM, đã tham gia BHXH hơn 20 năm, tuổi đời dưới 45… Nay nếu xin được việc làm ở Đà Nẵng thì Công ty cũ ở TPHCM có chuyển BHXH cho cháu tôi về Công ty ở Đà Nẵng không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: NLĐ tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên. 

Ngoài ra, Khoản 2, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định: Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở. Như vậy, việc con của ông (bà) có được tham gia BHXH và BHYT bắt buộc hay không thì còn phụ thuộc vào HĐLĐ của con ông (bà) thời gian bao lâu. 

Về trường hợp của cháu ông (bà), theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, NLĐ được nhận trợ cấp BHXH một lần khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có dưới 15 năm đóng BHXH; Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục đóng BHXH; chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần; Ra nước ngoài để định cư. Như vậy, nếu cháu ông (bà) đã tham gia BHXH trên 20 năm mà không ra nước ngoài định cư thì sẽ không được nhận trợ cấp BHXH một lần. Toàn bộ thời gian đã tham gia BHXH được ghi nhận tại sổ BHXH. Khi cháu ông (bà) chuyển công tác về Đà Nẵng thì Cty nơi cháu ông (bà) làm việc sẽ làm thủ tục chốt sổ BHXH để cháu ông (bà) mang về nộp cho Cty mới. Cty mới sẽ có trách nhiệm tham gia BHXH cho cháu ông (bà) nếu cháu ông (bà) thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Toàn bộ quá trình tham gia BHXH sẽ được cộng dồn để được tính hưởng lương hưu hay trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu chẳng may xảy ra).

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc chuyển Bảo hiểm xã hội. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào