Thời gian giải quyết đối với trường hợp ly hôn đơn phương là bao lâu?
Về vấn đề ly hôn đơn phương thì Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định như sau:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”.
Nguyên nhân ly hôn được Tòa án xem xét giải quyết đối với trường hợp ly hôn đơn phương đó là: hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Khi xét thấy có đủ căn cứ cho ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn, việc giải quyết sẽ được thực hiện Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Về việc phân định thẩm quyền giải quyết của Tòa án căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
“Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”
Bên cạnh đó, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định như sau:
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (con rể cô) đang cư trú hoặc làm việc có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình. Cô cần xác minh cho đúng nơi nộp đơn để Tòa án có căn cứ giải quyết.
2. Trình tự, thời gian giải quyết
Khi con gái cô đã gửi đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền, tòa án sẽ nhận đơn và thông báo về việc thụ lý như sau:
“Điều 167. Thủ tục nhận đơn khởi kiện
Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
1. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;”
Điều 171. Thụ lý vụ án
“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì Toà án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Toà án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.
3. Toà án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
4. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí thì Toà án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.”
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi thụ lý, Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán để giải quyết vụ án, và thông báo bằng văn bản cho đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và Viện Kiểm Sát cùng cấp về việc thụ lý.
Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo, người được thông báo phải gửi cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định như sau:
“Điều 179. Thời hạn chuẩn bị xét xử
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;”
Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải đoàn tụ, việc hòa giải sẽ được tiến hành 02 (hai) lần, nếu trong phiên hòa giải, hai bên thống nhất được việc đoàn tụ, không muốn ly hôn nữa thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Hoặc nếu không hòa giải được, tòa án sẽ ra quyết định hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa (trường hợp có lý do chính đáng thì thời gian này sẽ là hai tháng).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thời gian giải quyết đối với trường hợp ly hôn đơn phương. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật