Điều kiện kinh doanh karaoke?
Điều kiện kinh doanh karaoke và trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke được quy định cụ thể tại Điều 30 và Điều 32 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ, Điều 12 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009.
Điều kiện kinh doanh:
“1. Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ.
2. Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng.
3. Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên.
5. Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề.
6. Phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke cũng được quy định cụ thể tại Điều 32 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 nêu trên. Theo đó, khi hoạt động kinh doanh karaoke, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân theo các quy định sau đây:
1. Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 1 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2.
2. Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép.
3. Chỉ được sử dụng bài hát đã được phép phổ biến; băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định.
4. Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke.
5. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
6. Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.
7. Không được hoạt động sau 12h đêm đến 8h sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này;
8. Các điểm karaoke hoạt động ở vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh tại khoản 2 nhưng phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.
Trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; về địa điểm kinh doanh, phòng hát, âm thanh, áng sáng, tiếng ồn và có cam kết về trật tự an ninh và được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ dân liền kề, người đề nghị đăng ký kinh doanh cơ sở karaoke gửi hồ sơ để xin giấy phép kinh doanh lên Sở Văn hóa, thể thao và du lịch hoặc cơ quan cấp huyện được phân công cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke trong đó ghi rõ địa điểm kinh doanh, số phòng, diện tích từng phòng.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý.
- Ý kiến bằng văn bản của các hộ liền kề.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp huyện được phân cấp có trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về điều kiện kinh doanh karaoke. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 96/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật