“Hôi của” xe tải chở hàng gặp hỏa hoạn bị xử lý như thế nào?
Nếu người nào “hôi của” có giá trị dưới hai triệu đồng và chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản…thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản , Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Còn nếu người nào “hôi của” có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm theo điểm b, khoản 2, Điều 137 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Dưới góc độ đạo đức thì những người có hành vi “hôi của” đi ngược lại truyền thống “tương thân tương ái”, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau, rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đúng ra khi thấy xe tải chở hàng hóa bị nạn thì họ phải giúp đỡ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chủ hàng/tài xế sau trận hỏa hoạn. Những người “hôi của” lấy được tài sản thì hoan hỉ, vui vẻ mà không nghĩ đến nỗi khổ, sự mất mát của chủ hàng/tài xế. Đây không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo lý làm người.
Thực tế, vụ “hôi bia” xảy ra năm 2013 tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có 2 người bị truy cứu trách nhiệm hình sự và 12 người bị xử phạt hành chính. Có lẽ, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định cũng cần phải xử lý nghiêm những người đã tham gia “hôi của” trong sự việc ngày 1.11 để răn đe những ai có lòng tham muốn lấy tài sản của người khác.
Thư Viện Pháp Luật