Gây cháy khiến hậu quả lớn, bị phạt bao nhiêu tiền?
Để xác định được nguyên nhân cũng như người gây ra cháy phải có sự điều tra, kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy lan ra diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo mức độ mà người đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về xử phạt hành chính: Việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy được quy định cụ thể tại Mục 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, tương ứng với mỗi hành vi sẽ có mức phạt khác nhau. Ví dụ Điều 48 Nghị định này quy định như sau:
“Điều 48. Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng”.
- Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 240 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:
“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến 8 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm”.
- Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Theo quy định của pháp luật, người nào có hành vi vi phạm gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đối chiếu với trường hợp làm cháy quán karaoke:
+ Nếu tài sản bị thiệt hại là xe ôtô, xe máy hoặc các loại phương tiện khác mà đã tham gia bảo hiểm vật chất xe cơ giới thì có thể yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả phần thiệt hại. Về phía các công ty bảo hiểm, sau khi đã trả tiền cho người tham gia bảo hiểm có thể yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) hoàn trả lại số tiền mà công ty bảo hiểm đã trả cho người có thiệt hại.
+ Đối với các thiệt hại về tài sản khác và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật