Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở
Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 73 Hiến pháp năm 2013. Theo đó: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép”. Cụ thể hóa điều trên, Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Hình sự 1999 đã xây dựng cho mình những quy định riêng về quyền cơ bản trên.
Điều 46 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý.
Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
Điều 124 Bộ luật Hình sự 1999 cũng ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân với quy định về tội xâm phạm chỗ ở của công dân qua việc thực hiện các hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân (dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm luôn chỗ ở; tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà…).
3. Chế tài đối với người có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.
* Đối với hành vi được quy định tại Điều 46 Bộ luật Dân sự 2005 có thể áp dụng một số biện pháp xử lý vi phạm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hậu quả do hành vi xâm phạm chỗ ở gây ra như sau:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền.
* Chế tài đối với hành vi được quy định tại Điều 124, Bộ luật Hình sự được quy định như sau:
– Người nào có một trong các hành vi đã nêu ở mục 2 thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp xét thấy nếu để người phạm tội tiếp tục đảm nhiệm chức vụ nhất định thì có thể gây nguy hại cho xã hội, cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm đối với người phạm tội.
4. Cơ quan có thẩm quyền.
* Với hành vi quy định tại Bộ luật dân sự 2005, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý vi phạm đối với cá nhân có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là Ủy ban nhân dân các cấp hoặc Tòa án nhân dân tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
* Với hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người phạm tội và áp dụng hình phạt đối với người đó là Tòa án nhân dân.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật