Không có di chúc, chia di sản thừa kế như thế nào?
- Căn cứ quy định tại Điều 675, 676, 681 và Điều 685 Bộ luật Dân sự 2005, trường hợp thừa kế nêu trong câu hỏi của bạn đọc thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Để phân chia di sản, những người hưởng thừa kế phải họp, thỏa thuận việc phân chia di sản. Nội dung thỏa thuận phải được lập thành văn bản.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định tại Luật Công chứng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, những người thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Hồ sơ công chứng gồm: Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu; Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản; Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó; Giấy chứng tử của người để lại di sản; Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế; Bản sao chứng minh nhân dân và đăng ký hộ khẩu của những người thỏa thuận. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì công chứng viên tiến hành công chứng. Đối với trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có liên quan đến quyền sử dụng đất thì công chứng viên thực hiện việc niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất trong thời hạn 30 ngày. Hết thời hạn niêm yết không có khiếu nại về việc phân chia tài sản có liên quan đến quyền sử dụng đất thì công chứng viên thực hiện việc công chứng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc chia di sản thừa kế khi không có di chúc.
Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật