Khi nào phạm tội tham ô tài sản?
Điều 278 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định tội tham ô tài sản như sau:
"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Cấu thành tội phạm tội tham ô tài sản như sau:
- Về chủ thể: cá nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản khi đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tức từ đủ 16 tuổi trở lên và phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Trong đó, người có chức vụ, quyền hạn được hiểu là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
- Về mặt khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản do cơ quan, tổ chức giao cho họ và họ có trách nhiệm quản lý. Bên cạnh đó, người phạm tội chiếm đoạt được tài sản thông qua thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình đang nắm giữ. Hậu quả là người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản.
- Về mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý và mục đích thực hiện hành vi phạm tội là chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý.
- Khách thể của tội phạm này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện khi thực hiện công vụ.
Theo như bạn tình bày, chủ tịch xã chỉ đạo kế toán lập chứng từ mở hội nghị khống 03 năm liền lấy được số tiền 70 triệu đồng từ chương trình nông nghiệp của xã. Mặc dù Chủ tịch xã đã nộp lại số tiền vào tài khoản của xã tuy nhiên vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tham ô tài sản bởi tội tham ô tài sản đã hoàn thành, việc trả lại tiền đã tham ô chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chủ tịch xã.
Kế toán là người thực hiện hành vi lập chứng từ mở hội nghị khống được coi là đồng phạm theo quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 với vai trò là người giúp sức giúp cho người phạm tội tham ô tài sản:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
...
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”
Như vậy, Chủ tịch xã bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội tham ô tài sản, kế toán bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tham ô tài sản với vai trò là đồng phạm.
Trên đây là tư vấn về tội tham ô tài sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật