Khó đòi tiền cho vay nếu không có chứng cứ
Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Điều này có nghĩa, để đơn khởi kiện của bạn được chấp nhận, bạn phải có bằng chứng, chứng cứ thể hiện mối quan hệ vay hoặc cả hai bên đều thừa nhận có khoản vay này.
Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về xác định chứng cứ, "chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc". Đối với "các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó”.
Trường hợp của bạn, việc vay mượn giữa hai bên không thiết lập hợp đồng, cũng không có giấy biên nhận mà chỉ có bản ghi âm. Để bản ghi âm này trở thành chứng cứ, nội dung bản ghi âm phải ghi nhận việc vay mượn giữa hai bên đồng thời bạn phải xuất trình được văn bản xác nhận xuất xứ (ví dụ nếu ghi âm bằng điện thoại, bạn phải được nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp được cuộc gọi, thời gian...). Nếu bạn không xuất trình được thì bản ghi âm này khó thể trở thành chứng cứ trong vụ án.
Mặt khác, người vay không thừa nhận đã cầm tiền nên bạn phải xuất trình được cả chứng cứ chứng minh người này đã cầm tiền của bạn (như biên bản nhận tiền...).
Để đơn khởi kiện của bạn được thụ lý, bạn cần phải củng cố tài liệu chứng cứ liên quan đến việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên. Sau khi đã thu thập được các tài liệu, giấy tờ nêu trên bạn có thể lựa chọn các phương án: đàm phán thỏa thuận với người đã vay; khởi kiện dân sự hoặc trình báo cơ quan công an.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc đòi tiền vay khi không có chứng cứ. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật