Người nước ngoài khống chế trẻ em thì bị xử lý như thế nào?
Thứ nhất, về hành vi khống chế trẻ em trong căn hộ của người đàn ông nước ngoài trên đã có dấu hiệu vi phạm vào Điều 123 Bộ luật Hình sự 1999, theo đó:
"Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm."
Thứ hai, về việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì có thể căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 1999, theo đó:
"Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao."
Trong trường hợp bạn hỏi, do không nêu rõ về các vấn đề liên quan đến hậu quả của hành vi khống chế, cũng như các yếu tố liên quan đến thông tin của người đàn ông nước ngoài này nên không đủ các điều kiện để khẳng định hình phạt đối với hành vi này. Để có thêm thông tin, bạn có thể tham khảo chi tiết tại Bộ luật Hình sự 1999.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật