Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát

Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát. Chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Tín, đang sinh sống ở Hải Phòng, tôi có một thắc mắc rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Ban biên tập cho tôi hỏi thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát hoạt động của các cơ quan được quy định thế nào? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn. (Thanh Tín_093**)

Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát được quy định tại Điều 21 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, theo đó, căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có thẩm quyền sau đây:

1. Yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản quy định chi tiết Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

2. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

3. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

4. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

5. Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức, xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

6. Ra nghị quyết về chất vấn; ra nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trên đây là quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào