Xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam được quy định như thế nào?

Xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Nguyễn Thành An, quê ở Khánh Hoà. Tôi có xem tin tức trên mạng và thấy mệnh giá tiền Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới nên cần có biện pháp bảo vệ tiền Việt Nam. Vì vậy xin Ban biên tập tư vấn giúp: việc xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn. Số điện thoại của tôi là: 098769*****.

Việc xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam đã được quy định cụ thể tại Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Theo đó, việc xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam được quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

b) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

c) Bố trí cán bộ làm công tác kiểm ngân, thủ quỹ hoặc giao dịch viên chưa qua đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

b) Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

c) Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

5. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các Khoản 2, 3, 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

6. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này;

c) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ tiền Việt Nam. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào