Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định tại Điều 22 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, theo đó:
1. Đại diện cho người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi nhận được khiếu nại, phản ánh về chất lượng hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, định lượng ghi trên nhãn hoặc không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng.
2. Nhận thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa không phù hợp, mức độ không phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và cung cấp thông tin này cho các cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp theo quy định của pháp luật.
3. Kiến nghị cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc giải quyết các vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
5. Tổ chức hướng dẫn, tư vấn về quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được quy định tại Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật