Xử lý vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp

Xử lý vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp được quy định như thế nào? Và được quy định ở đâu? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật, em tên là Trần Quỳnh Anh, quê ở Cà Mau (an***@gmail.com). Gần đây, em có đọc báo trên mạng và được biết hành vi vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp cũng có thể bị xử phạt. Vậy xin Ban biên tập tư vấn giúp em về việc xử lý vi phạm trong trường hợp này như thế nào? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn.

Việc xử lý vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp đã được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Theo đó, vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp có thể bị xử lý: 

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tên ghi trên các tài liệu, giấy tờ trong hoạt động không đúng tên ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo đủ các điều kiện quy định về điều kiện khai trương hoạt động quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Gian lận các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy phép trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này;

b) Cho mượn, cho thuê, mua, bán, chuyển nhượng giấy phép;

c) Tẩy xóa, sửa chữa giấy phép làm thay đổi nội dung giấy phép.

4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy phép trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này;

b) Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 18, Khoản 7 Điều 24, Điểm d Khoản 4, Điểm b Khoản 5 Điều 25 Nghị định này.

5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sau khi đã bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp đình chỉ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Điểm a Khoản 2 Điều 148 Luật Các tổ chức tín dụng.

6. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động không có giấy phép, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 24, Điểm d Khoản 2, Điểm a Khoản 4, Khoản 7 Điều 25 Nghị định này.

7. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy phép đã bị tẩy xóa, sửa chữa đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

8. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b Khoản 3, các Khoản 4, 5 và 6 Điều này;

b) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép đối với hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này;

c) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc xử lý vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào