Hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước đối với phương thức tài trợ dự án
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 111/2016/TT-BTC thì việc hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước đối với phương thức tài trợ dự án được quy định như sau:
a) Hạch toán, ghi thu ghi chi tại Kho bạc nhà nước:
- Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi được nhà tài trợ (hoặc Bộ Tài chính) thông báo phê duyệt đơn rút vốn, chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền lập 3 liên Giấy đề nghị hạch toán, ghi thu ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi (bản chính) theo mẫu tại Phụ lục 02 Thông tư này kèm Thông báo chuyển tiền của nhà tài trợ cho người thụ hưởng gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để được xác nhận hạch toán.
- Đối với chương trình, dự án ô, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi được nhà tài trợ (hoặc Bộ Tài chính) thông báo phê duyệt đơn rút vốn, cơ quan chủ dự án ô tại cấp trung ương thông báo cho chủ dự án thành phần kèm chứng từ giải ngân để làm cơ sở lập Giấy đề nghị hạch toán, ghi thu ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với các khoản chi liên quan theo quy định tại điểm a khoản này.
- Đối với các khoản chi từ tài khoản tạm ứng hoặc tài khoản cấp hai, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi giải ngân cho người thụ hưởng, chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền làm thủ tục kiểm soát chi (trường hợp kiểm soát chi sau) và lập 3 liên Giấy đề nghị hạch toán, ghi thu ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo mẫu tại Phụ lục 02 Thông tư này kèm Bảng sao kê chứng từ chuyển tiền của ngân hàng phục vụ nơi chủ dự án mở tài khoản tạm ứng hoặc chứng từ thể hiện ngân hàng thương mại đã chuyển tiền cho người thụ hưởng (bản sao) gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để được kiểm soát chi (trường hợp kiểm soát chi sau) và xác nhận hạch toán. Trường hợp nhà tài trợ không chấp thuận khoản chi là hợp lệ hoặc chỉ chấp thuận một phần, chủ dự án báo cáo bằng văn bản cho Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để kịp thời điều chỉnh hạch toán ngân sách nhà nước.
- Khoản lãi trong thời gian ân hạn, phí cam kết và các loại phí khác được gốc hóa theo thỏa thuận với nhà tài trợ được hạch toán như sau:
+ Trường hợp chương trình, dự án hoặc hợp phần dự án áp dụng cơ chế cho vay lại, Bộ Tài chính làm thủ tục hạch toán cho vay lại và thông báo số tiền và thời điểm gốc hóa cho người vay lại để nhận nợ.
+ Trường hợp chương trình, dự án hoặc hợp phần dự án áp dụng cơ chế cấp phát, Bộ Tài chính ghi vay của ngân sách trung ương số tiền được gốc hóa.
- Trong vòng 3 ngày làm việc, Kho bạc nhà nước nơi giao dịch kiểm tra các thông tin và ký Giấy đề nghị hạch toán, ghi thu ghi chi vốn ODA, vốn vay ưu đãi, gửi lại đơn vị hai bản chính để lưu và gửi Bộ Tài chính phục vụ rút vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Đối với phần vốn thuộc cơ chế cấp phát, Kho bạc nhà nước lập lệnh hạch toán thu vốn ODA viện trợ không hoàn lại, ghi vay của ngân sách nhà nước vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, ghi chi cấp phát vốn đầu tư xây dựng, vốn chi sự nghiệp cho các Bộ, cơ quan trung ương; ghi chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời ghi thu ngân sách địa phương từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, ghi chi cho dự án theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
- Chậm nhất vào ngày 05 của tháng kế tiếp, Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp số liệu vốn ODA, vay ưu đãi đã xác nhận kiểm soát chi trên địa bàn trong tháng trước, báo cáo Kho bạc Nhà nước, đồng gửi Sở Tài chính (đối với phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để theo dõi, quản lý đối với phần vốn cấp phát và vốn vay lại.
- Chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu quý kế tiếp, Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp số liệu vốn ODA, vay ưu đãi đã xác nhận hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước trên địa bàn trong quý trước báo cáo Kho bạc nhà nước, đồng gửi Sở Tài chính (đối với phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để theo dõi, quản lý đối với phần vốn cấp phát và vốn vay lại.
- Kết thúc niên độ ngân sách nhà nước, Kho bạc nhà nước tổng hợp số liệu vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính để phục vụ công tác quyết toán niên độ ngân sách nhà nước hàng năm.
Các thủ tục cụ thể hạch toán ngân sách nhà nước trong hệ thống Kho bạc nhà nước và chế độ báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước.
b) Hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi tại Bộ Tài chính
- Đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ được Bộ Tài chính ủy quyền cho tổ chức tài chính, tín dụng là cơ quan cho vay lại để cho vay lại các chương trình, dự án đầu tư: căn cứ thông báo giải ngân của nhà tài trợ, báo cáo sao kê giải ngân của chủ dự án, Bộ Tài chính thực hiện ghi thu ngân sách trung ương vốn ODA viện trợ không hoàn lại hoặc ghi vay của Chính phủ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, ghi chi cho vay lại đối với cơ quan cho vay lại.
- Đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp (kể cả người vay lại là UBND cấp tỉnh), Bộ Tài chính thực hiện ghi thu ngân sách trung ương vốn ODA viện trợ không hoàn lại hoặc ghi vay của Chính phủ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, ghi chi cho cơ quan cho vay lại là Bộ Tài chính.
- Đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi Bộ Tài chính cho vay lại UBND cấp tỉnh, căn cứ Lệnh chi cho vay lại của Bộ Tài chính đối với UBND cấp tỉnh, Sở Tài chính tỉnh ghi vay của ngân sách cấp tỉnh và ghi chi cho dự án theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
c) Chậm nhất đến ngày 15/02 năm sau, chủ dự án đối chiếu số liệu đã xác nhận kiểm soát chi và số hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước trong năm ngân sách với Kho bạc nhà nước nơi giao dịch, cơ quan kiểm soát chi và Bộ Tài chính. Khi kết thúc giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, chủ dự án gửi báo cáo tổng hợp số liệu giải ngân toàn dự án và hạch toán ngân sách nhà nước cho Kho bạc nhà nước, Cơ quan kiểm soát chi, cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính để phục vụ quyết toán dự án.
Đối với số liệu vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho vay lại, kết thúc niên độ ngân sách, căn cứ số liệu rút vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã được hạch toán qua Kho bạc nhà nước, các cơ quan cho vay lại và người vay lại trực tiếp (bao gồm UBND cấp tỉnh) thực hiện đối chiếu với Bộ Tài chính số liệu rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí (kể cả lãi phạt, nếu có) và số dư nợ cuối kỳ.
d) Vốn ODA, vốn vay ưu đãi được xác nhận kiểm soát chi trong niên độ ngân sách năm trước và rút vốn trước 31 tháng 01 năm sau thì được hạch toán trong niên độ ngân sách năm trước; giải ngân trong niên độ ngân sách năm sau thì hạch toán vào năm sau.
Hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước đối với phương thức tài trợ dự án được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Thông tư 111/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, sự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật