Xin việc cho người nhà vào công ty Nhà nước có phải là tham nhũng không?

Tôi xin hỏi luật sư một vấn đề như sau: Hiện tôi đang là kế toán trưởng của một công ty con thuộc tập đoàn công ty mẹ. Nhưng tôi muốn xin cho cháu con anh chồng tôi và em con nhà dì ruột tôi vào làm việc tại phòng kế toán do tôi là kế toán trưởng thì có phạm luật tham nhũng không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 

Điều 37. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm

1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:

a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;

d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;

b) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

Trong trường hợp này, hành vi của bạn là giúp đỡ xin việc cho người nhà vào công ty mà bạn đang là kế toán trưởng. Nếu bạn là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ kế toán trưởng thì trường hợp này có thể sẽ thuộc vào trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005.

Cụ thể là, trong trường hợp này nếu bạn là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ kế toán trưởng thì theo quy định luật phòng chống tham nhũng quy định thì bạn không thể bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình để chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Trong trường hợp, bạn không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Bạn nên xem xét điều lệ công ty mà bạn đang làm việc có quy định về vấn đề này hay không. Hành vi này của bạn nếu chỉ xuất phát từ việc giúp đỡ người nhà mà không vì mục đích vụ lợi thì không được coi là hành vi vi phạm pháp luật tham nhũng. Tuy nhiên, nếu hành vi này của bạn xuất phát từ mục đích vụ lợi thì bạn có thể sẽ phạm tội nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung 2009

Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào  có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

...

Tội nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người nhận hối lộ. Như vậy, trong trường hợp bạn có hành vi giúp đỡ xin việc cho cháu và cho em bạn vào phòng kế toán mà bạn làm kế toán trưởng mà xuất phát từ mục đích vụ lợi thì hành vi của bạn sẽ vị phạm tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tội tham nhũng khi xin việc cho người nhà vào công ty Nhà nước. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Phòng chống tham nhũng 2005 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào