Kiểm tra chất lượng, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và ghi nhãn đối với sản phẩm cá Tra

Kiểm tra chất lượng, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và ghi nhãn đối với sản phẩm cá Tra được quy định như thế nào? Bạn đọc Minh Quang, địa chỉ mail NguyenMi****@gmail.com hỏi: Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi có vấn đề muốn hỏi như sau: Cá Tra là một mặt hàng thương phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên việc nuôi, chế biến cá Tra hiện nay còn chưa đồng đều và khoa học. Tôi khá quan tâm tới nội dung này và cũng đang nghiên cứu các vấn đề pháp lý về nuôi, chế biến cá Tra. Cho tôi hỏi: Kiểm tra chất lượng, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và ghi nhãn đối với sản phẩm cá Tra được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn!

Kiểm tra chất lượng, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và ghi nhãn đối với sản phẩm cá Tra được quy định tại Điều 6 Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra và được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT, theo đó:  

1. Cơ quan kiểm tra:

a) Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các đơn vị do Cục giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền thực hiện kiểm tra đối với cơ sở chế biến cá Tra xuất khẩu;

b) Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra đối với cơ sở chế biến cá Tra chỉ tiêu thụ nội địa.

2. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra xuất xứ cá Tra nguyên liệu đưa vào chế biến;

b) Kiểm tra việc sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, ghi nhãn theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu;

c) Kiểm tra chất lượng sản phẩm cá Tra bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ sở công bố áp dụng;

d) Lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước.

3. Hình thức kiểm tra: Thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra.

4. Phương pháp kiểm tra:

a) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và điều kiện thực tế liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phương pháp xác định khối lượng tịnh, tỷ lệ mạ băng: theo Tiêu chuẩn số 165-1989 (Sửa đổi lần 1-1995) của Ủy ban Codex - Tiêu chuẩn Codex đối với cá phi lê đông lạnh nhanh dạng khối, thịt cá xay và hỗn hợp cá phi lê và thịt cá xay (Codex Stand 165-1989 (Rev.1-1995) - Codex Standard for quick frozen blocks of fish fillet, minced fish flesh and mixtures of fillets and minced fish flesh);

c) Phương pháp xác định hàm lượng nước: Được xây dựng dựa trên các phương pháp: Phương pháp chính thức số 983.18 - Thịt, sản phẩm thịt, phương pháp chuẩn bị mẫu (Official Method No 983.18 - Meat and meat products, Preparation of test sample procedure); Phương pháp chính thức số 950.46 - Hàm lượng nước trong thịt - Phương pháp A (Official Method No 950.46 - Moisture in meat - Method A) của Hiệp hội các nhà hóa phân tích chính thống (AOAC). Phòng thử nghiệm và phương pháp phân tích phải được công nhận đạt tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tương đương và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chỉ định.

5. Tần suất kiểm tra:

a) Kiểm tra giám sát: Áp dụng theo tần suất kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT và Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT;

b) Kiểm tra đột xuất: Áp dụng đối với cơ sở có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP hoặc cơ sở có nhiều lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP.

6. Địa điểm kiểm tra: Tại khu vực chế biến, kho chứa, nơi sản phẩm được bảo quản của cơ sở.

7. Trình tự, thủ tục kiểm tra:

a) Xuất trình quyết định kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Lập biên bản kiểm tra;

d) Thông báo cho chủ cơ sở và báo cáo Cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra;

đ) Xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về kiểm tra chất lượng, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và ghi nhãn đối với sản phẩm cá Tra, được quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn. Bạn vui lòng tham khảo các văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào