Tử tù có được hiến xác phục vụ cho y học hay không?
Dựa vào những quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này, Ban biên tập Thư Ký Luật xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 19 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC thì các trường hợp không được cho nhận tử thi người đã bị thi hành án tử hình bao gồm:
- Người đã bị thi hành án tử hình phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Người đã bị thi hành án tử hình bị bệnh truyền nhiễm theo quy đinh tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Người xin nhận tử thi người đã bị thi hành án tử hình không phải là thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án tử hình.
Ngoài ra tại Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác quy định rõ như sau:
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Dựa vào những quy định trên, có thể thấy không có một quy định nào cấm tử tù hiến xác cho y học. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại Điều 59 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì tử tù sẽ được thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc. Việc tiêm thuốc độc vào cơ thể có thể sẽ gây ảnh hưởng tới các mô, bộ phận khác trên thi thể tử tù. Chính vì vậy, mặc dù về mặt pháp lý không cấm tử tù hiến xác, tuy nhiên về mặt y học, thật khó để tử tù có thể thực hiện nguyện vọng của mình là hiến xác, mô, bộ phận cơ thể của mình.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật