Có được nhận làm lại sau khi nghỉ ốm quá lâu không?
Thứ nhất, tại Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể cho Điều 38 có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:
+ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc được quy định trong quy chế của doanh nghiệp;
+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
+ Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng: Do địch họa, dịch bệnh; di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền., mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
+ Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
+ Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
+ Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
+ Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Thứ hai, tại Điều 32, 33 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng (hướng dẫn chi tiết tại Điều 9, 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP) và sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động như sau:
“Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Điều 33. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.
Căn cứ vào quy định này thì người lao động và người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với nhau về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Khi hết thời hạn hạn thời hạn tạm hoãn hợp đồng thì trong thời hạn 15 ngày người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
Tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
“Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này”
Căn cứ vào quy định này thì trường hợp người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn. Nếu như bạn thỏa thuận với công ty việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng bạn phải có mặt tại nơi làm việc nếu như không có thỏa thuận nào khác. Còn nếu như bạn bị tai nạn đang trong quá trình điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì công ty của bạn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là sai luật, trừ trường hợp bạn bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Trên đây là tư vấn về trường hợp đi làm lại sau khi nghỉ ốm quá lâu. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động năm 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật