Trả lương khi thực hiện nghĩa vụ quân sự
Trong trường hợp này, khi bạn đi tập huấn theo lệnh "dự bị động viên" thì bạn có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng theo Điều 32 Bộ luật lao động 2012 như sau:
- Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động 2012.
- Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Trong trường hợp này, Bộ luật lao động không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải trả tiền lương cho bạn trong quá trình bạn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Liên quan đến vấn đề này, bạn có thể yêu cầu người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương cho bạn theo Điều 100 Bộ luật lao động 2012:
Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận.
Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Sau khi bạn thực hiện nghĩa vụ xong, công ty của bạn phải có trách nhiệm nhận lại người lao động theo Điều 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Về phía cơ quan nhà nước, chế độ tiền lương và phụ cấp áp dụng với quân nhân dự bị theo Nghị định 39/CP năm 1997 như sau:
a) Quân nhân dự bị đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được cơ quan, đơn vị nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức đi công tác. Cơ quan, đơn vị đang hưởng lương từ nguồn ngân sách nào thì do nguồn ngân sách đó bảo đảm.
b) Quân nhân dự bị thuộc các đối tượng khác được đơn vị quân đội cấp một khoản phụ cấp bằng mức lương theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ; được cấp tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.
Được mượn quân trang, được mượn hoặc cấp một số đồ dùng sinh hoạt và đài thọ về ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Gia đình của sĩ quan dự bị đã qua phục vụ tại ngũ, gia đình của quân nhân chuyên nghiệp dự bị và gia đình của hạ sĩ quan, binh sĩ dự hạng một đã qua phục vụ tại ngũ được hưởng một khoản trợ cấp như sau:
a) Quân nhân dự bị không hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,1 so với tiền lương tối thiểu;
b) Quân nhân dự bị đang hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với lương tối thiểu.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trả lương khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật