Người lao động phản đối quyết định thay đổi quản lý của công ty được không?
Theo quy định tại Điều 209 Bộ luật lao động 2012 về đình công:
"1. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
2. Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này."
Đồng thời, theo quy định tại Điều 215 Bộ luật lao động 2012 về những trường hợp đình công bất hợp pháp:
"1. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
2. Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
3. Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
4. Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
5. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công."
Có thể thấy, với lý do đình công vì công ty thay người quản lý mới là lý do không phù hợp vì chỉ được đình công khi mà bên sử dụng lao động xâm phạm tới lợi ích chính đáng của đông đảo người lao động. Việc thay đổi người quản lý là do quyết định của công ty, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, dù việc cho thôi việc người quản lý cũ có không đúng so với pháp luật lao động thì bản thân người quản lý này sẽ có quyền yêu cầu hòa giải viên giải quyết vấn đề này hoặc có thể tự mình hoặc nhờ các tổ chức lao động đại diện giúp mình khởi kiện công ty tới Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Trên đây là tư vấn về việc người lao động phản đối quyết định thay đổi quản lý của công ty. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật