Tính ngày công cho người lao động như thế nào cho đúng quy định?

Em hiện tại là Cán bộ CĐCS của Cty có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản. Từ khi Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đến nay nhân sự Công ty vẫn tính công cho người lao động vào các tháng 3 và 8 là 27 ngày công kể cả việc tính lương của một ngày công cũng lấy lương hợp đồng/27 ngày. (Công ty đang trả lương cho người lao động theo hình thức lương tháng). Cách tính lương như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật không, có đúng với điểm a, điểm c của khoản 4 Điều 14 trong Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH không? Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, lương hợp đồng là 5.000.000VNĐ/tháng (năm triệu đồng/tháng). Vậy, lương của anh Nguyễn Văn A trong tháng 8/2016 (31 ngày trong đó có 4 chủ nhật) được tính như thế nào trong hai trường hợp sau để đúng với quy định của pháp luật. 1. Trong tháng 8/2016 anh Nguyễn Văn A làm đủ 27 ngày công và có tổng số giờ tăng ca 150% là 12 giờ. 2. Trong tháng 8/2016 anh Nguyễn Văn A chỉ làm được 26 ngày công do một ngày anh nghỉ bệnh và có tổng số giờ tăng ca 150% là 12 giờ. Hiện tại người lao động đã ý kiến lên Công đoàn. Phía Công đoàn cũng đã làm việc với nhân sự và trao đổi với Ban Giám Đốc nhưng chưa có tiếng nói chung. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

- Tại Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động hướng dẫn hình thức trả lương như sau:

“Điều 4. Hình thức trả lương

Hình thức trả lương theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:

a) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;

b) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;

c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tính theo từng tháng dương lịch và bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày) theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;

d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.

2. Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

3. Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Căn cứ các hình thức trả lương nêu trên, tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động lựa chọn hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc, khuyến khích người lao động nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể”.

Căn cứ vào quy định này thì sẽ có 3 hình thức trả lương như sau:

+ Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ;

+ Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao;

+ Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể.

- Tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH như sau:

“c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày”.

Căn cứ vào quy định này thì tiền lương trả cho người lao động cho một ngày làm việc trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.

Như vậy, căn cứ vào quy định Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH thì tiền lương tháng được trả cho người lao động cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động; tiền lương trả cho một ngày làm việc trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.
Đối chiếu với trường hợp của bạn thì công ty của bạn tính tiền lương trả cho người lao động cho một ngày làm việc trên cơ sở tiền lương tháng chia cho 27 ngày là vi phạm với quy định của pháp luật.

Trên đây là quy định về tính ngày công cho người lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào