Có bằng đại học có được nâng lương không?
Căn cứ Điểm b) Khoản 1 Điều 5 Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định việc xếp lương như sau:
''b) Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP)".
Điểm đ) khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH có quy định: "Cán bộ cấp xã đã được xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính quy định tại khoản 2 Điều này, nếu sau đó có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp được xếp lương theo trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mới."
Như vậy, nếu bạn của bạn được đơn vị cử đi học thì sau khi học xong, bạn của bạn sẽ được nâng ngạch lương theo bằng đại học.
Nếu bạn của bạn tự đi học thì sau khi có bằng tốt nghiệp đại học, bạn của bạn phảo tham gia kỳ thi nâng ngạch tại đơn vị bạn theo quy định tại Điều 44 Luật cán bộ, công chức 2008 như sau:
“1. Việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển.
2. Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch.
3. Kỳ thi nâng ngạch được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.”
Điều 29 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định căn cứ, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện nâng ngạch công chức như sau:
“1. Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan sử dụng công chức và thông qua kỳ thi nâng ngạch theo quy định.
2. Nguyên tắc cạnh tranh trong kỳ thi nâng ngạch được thực hiện giữa các công chức trong cùng cơ quan quản lý công chức.
3. Công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục gần nhất; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi.
4. Cơ quan quản lý công chức tổng hợp danh sách công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, có văn bản gửi cơ quan tổ chức thi nâng ngạch theo quy định tại Điều 30 Nghị định này và chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn, điều kiện của công chức dự thi nâng ngạch.
Đối với kỳ thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, cơ quan quản lý công chức phải gửi hồ sơ đăng ký dự thi của từng công chức để cơ quan tổ chức thi nâng ngạch thẩm định và quản lý. ”
Bạn của bạn muốn tham gia kỳ thi nâng ngạch thì phải đáp ứng được các điều kiện trên.
2. Thời gian để xét nâng lương cho đợt sau:
Căn cứ Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định chế độ nâng bậc lương như sau:
"1. Thực hiện nâng bậc lương thường xuyên trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh.
Thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xem xét nâng bậc lương thường xuyên quy định như sau:
a) Đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng của bảng lương thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng lên một bậc lương.
b) Đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xét nâng bậc lương như sau:
b1) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương.
b2) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.
c) Các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bị bãi nhiệm thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật bị kéo dài thêm thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên 1 năm (đủ 12 tháng) so với thời gian quy định."
Như vậy cứ 3 năm bạn sẽ được nâng một bậc lương nếu đáp ứng đủ các điiều kiện để nâng bậc lương quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nâng lương khi có bằng đại học. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 92/2009/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật