Mở tài khoản mới khi tài khoản của công ty bị phong tỏa do nợ thuế
Theo Điều 11 Thông tư 215/2013/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2013 có hiệu lực từ 21/02/2014 quy định:
Điều 11. Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản
1. Đối tượng áp dụng
a) Áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 Thông tư này.
b) Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế là chủ dự án ODA, chủ tài khoản nguồn vốn ODA và vay ưu đãi tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng thì không áp dụng biện pháp cưỡng chế này.
2. Xác minh thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế
a) Cơ quan thuế tổ chức xác minh thông tin về người nộp thuế tại các thời điểm sau
Trước 30 ngày, tính đến thời điểm quá thời hạn nộp thuế 90 ngày hoặc tính đến thời điểm hết thời gian gia hạn.
Đối với trường hợp cưỡng chế quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 2 Thông tư này, cơ quan thuế thực hiện xác minh thông tin ngay khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
b) Căn cứ vào cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế để xác minh thông tin về đối tượng bị cưỡng chế trước khi ban hành quyết định cưỡng chế.
c) Trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không đầy đủ, người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có quyền xác minh thông tin bằng việc gửi văn bản yêu cầu đối tượng bị cưỡng chế, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản, như: nơi mở tài khoản, số và ký hiệu về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản, bảng kê các giao dịch qua tài khoản trong vòng 03 (ba) tháng gần nhất trở về trước kể từ thời điểm nhận được văn bản và các thông tin có liên quan đến tài khoản và giao dịch qua tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.
Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế khi được đối tượng bị cưỡng chế, kho bạc nhà nước và tổ chức tín dụng cung cấp.
d) Trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chứng minh rằng không thực hiện được biện pháp cưỡng chế này hoặc nếu thực hiện thì không thu đủ tiền thuế nợ theo quyết định cưỡng chế do tài khoản đối tượng bị cưỡng chế không có số dư, không có giao dịch qua tài khoản trong vòng 03 (ba) tháng gần nhất kể từ thời điểm nhận được văn bản trở về trước hoặc thuộc trường hợp nêu tại điểm b Khoản 1 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện: nếu là tổ chức thì chuyển sang cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; nếu là cá nhân đang được hưởng tiền lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức, cá nhân chi trả thì chuyển sang cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập ngay sau ngày nhận được các thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
đ) Trường hợp khi xác minh thông tin cơ quan thuế xác định số dư tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế nhỏ hơn số tiền cưỡng chế thì vẫn ban hành quyết định cưỡng chế.
3. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản; phong tỏa tài khoản
a) Quyết định cưỡng chế lập theo mẫu số 01/CC ban hành kèm theo Thông tư này, tại quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản cần ghi rõ: họ tên, địa chỉ, mã số thuế của đối tượng bị cưỡng chế; lý do bị cưỡng chế; số tiền bị cưỡng chế; số tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế; tên kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản; tên, địa chỉ, số tài khoản của ngân sách nhà nước mở tại kho bạc nhà nước; phương thức chuyển số tiền bị trích chuyển từ tổ chức tín dụng đến kho bạc nhà nước; phong tỏa tài khoản (nếu có).
b) Quyết định cưỡng chế phải được ban hành tại các thời điểm sau
Trong ngày thứ 91 (chín mươi mốt) kể từ ngày: số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế; hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật.
Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 (mười) ngày (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế).
c) Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị cưỡng chế có tài khoản kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc trước khi tiến hành cưỡng chế.
d) Quyết định cưỡng chế yêu cầu kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản với số tiền bằng với số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ khi được yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
đ) Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhau thì người có thẩm quyền căn cứ vào số tài khoản mở tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng này để ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp.
Trong quá trình thực hiện quyết định, nếu một hoặc một số trong các kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng đã trích đủ số tiền theo quyết định cưỡng chế (có chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế) thì thông báo kịp thời cho cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế. Cơ quan này có trách nhiệm thông báo cho các kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng còn lại ngay trong ngày nhận được thông báo nộp đủ tiền thuế để các tổ chức này dừng ngay việc thực hiện quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài khoản.
4. Trách nhiệm của kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản
a) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng phải cung cấp các thông tin cần thiết bằng văn bản về số hiệu tài khoản, số dư và các thông tin liên quan đến tài khoản và các giao dịch qua tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế mở tại đơn vị mình.
b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm làm thủ tục trích chuyển số tiền của đối tượng bị cưỡng chế vào tài khoản thu ngân sách nhà nước mở tại kho bạc nhà nước; thông báo ngay cho cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết ngay trong ngày trích chuyển.
Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà đối tượng bị cưỡng chế phải nộp thì vẫn phải trích chuyển số tiền đó vào tài khoản của ngân sách nhà nước, việc trích chuyển không cần sự đồng ý của đối tượng bị cưỡng chế. Sau khi trích chuyển, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế và đối tượng bị cưỡng chế biết việc trích chuyển.
c) Thực hiện phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế đối với số tiền bằng với số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế ngay khi nhận được quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế đối với quyết định cưỡng chế có yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.
d) Trường hợp quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày quyết định cưỡng chế có hiệu lực mà tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế không đủ số tiền để trích nộp số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế bị cưỡng chế vào tài khoản thu ngân sách nhà nước thì kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ban hành quyết định cưỡng chế, kèm theo bảng kê chi tiết số dư và các giao dịch qua tài khoản tiền gửi của đối tượng bị cưỡng chế trong thời hạn quyết định cưỡng chế có hiệu lực.
đ) Trường hợp tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế còn số dư hoặc có giao dịch qua tài khoản mà kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng không thực hiện trích chuyển vào tài khoản thu ngân sách nhà nước thì các tổ chức này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 129/2013/NĐ-CPngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
5. Thu nộp tiền bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản
Việc trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu nộp theo quy định. Chứng từ thu nộp sử dụng để trích chuyển tiền từ tài khoản được gửi cho các bên liên quan (bản sao).
Theo Điều 12 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP Điều này được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 166/2013/TT-BTC có quy định :
Điều 14. Xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt phải nộp của người nộp thuế theo quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp: tại thời điểm đó, tài khoản của người nộp thuế có số dư mà người nộp thuế phải nộp theo quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết hạn trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế mở tại tổ chức tín dụng, cơ quan thuế phải lập biên bản vi phạm hành chính về thuế và ra quyết định xử phạt đối với tổ chức tín dụng. Mức xử phạt tương ứng số tiền không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế. Trường hợp này, cơ quan thuế vẫn phải áp dụng các biện pháp nhằm thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt đối với người nộp thuế còn nợ.
2. Tổ chức tín dụng không bị xử phạt trong trường hợp tại thời điểm đó, tài khoản tiền gửi của người nộp thuế không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người nộp thuế phải nộp.
Khi nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tổ chức tín dụng phải lập văn bản xác nhận về số dư tài khoản tiền gửi của đối tượng bị cưỡng chế hoặc không còn số dư tiền gửi và gửi cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế biết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế.
Điều 15. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân khác có liên quan
1. Tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 14 Thông tư này) thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền, cụ thể như sau:
a) Phạt tiền 3.750.000 đồng đối với cá nhân, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền tối thiểu không thấp hơn 2.500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền tối đa không vượt quá 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền 7.500.000 đồng đối với tổ chức, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền tối thiểu không thấp hơn 5.000.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền tối đa không vượt quá 10.000.000 đồng.
2. Tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; tài khoản của đối tượng nợ thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước theo quy định của Luật quản lý thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Bên bảo lãnh việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp các khoản nêu trên vào tài khoản của ngân sách nhà nước.
Căn cứ hồ sơ bảo lãnh nộp thuế, cơ quan thuế thông báo số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có), thời hạn nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cho bên bảo lãnh biết để thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước thay cho người được bảo lãnh.
Trường hợp, đến thời hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người nộp thuế không thực hiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) vào ngân sách nhà nước, bên bảo lãnh chưa nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo cam kết tại văn bản bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải trả tiền chậm nộp theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp và bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của pháp luật.
Như vậy từ những dẫn chứng trên công ty bạn không thể lập thêm tài khoản ngân hàng nữa , nếu mở thêm thì vẫn bị phong tỏa tại khoản.
Trên đây là tư vấn về mở tài khoản mới khi tài khoản của công ty bị phong tỏa do nợ thuế. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 215/2013/TT-BTC để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật