Phân biệt hợp đồng mua bán và hợp đồng gia công
Phân biệt hợp đồng mua bán và hợp đồng gia công
Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005.
- Về giống nhau:
Hợp đồng mua bán và hợp đồng gia công đều là sự thỏa thuận giữa các bên, các bên thực hiện nghĩa vụ giao kết trong hợp đồng. Hai dạng hợp đồng này đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, đáp ứng điều kiện mà một hợp đồng dân sự phải có. Đồng thời, hợp đồng mua bán và hợp đồng gia công đều là hợp đồng song vụ.
- Về khác nhau:
1. Khái niệm:
- Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.
- Hợp đồng gia công là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
2. Đối tượng:
- Hợp đồng mua bán: tài sản được phép giao dịch. Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng mua bán là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh quyền đó thuộc sở hữu của bên bán. Ngoài ra các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận các điều khoản về: Chất lượng của vật mua bán, Giá và phương thức thanh toán, Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán, Địa điểm giao tài sản, Phương thức giao tài sản, Trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại, Trách nhiệm do giao vật không đúng số lượng, Thời điểm chịu rủi ro……
- Hợp đồng gia công: vật chưa có thực khi hai bên thỏa thuận giao kết hợp đồng, mà vật đó chỉ được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn nhất định và bên gia công có nghĩa vụ phải tạo ra sản phẩm gia công theo đúng mẫu mà hai bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Đối với đối tượng của hợp đồng gia công, nếu pháp luật có quy định về tiêu chuẩn thì tiêu chuẩn đó thường liên quan đến việc sản phẩm gia công phải bảo đảm các yếu tố về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dụng, bảo vệ môi trường, v.v...
3. Chủ thể:
- Hợp đồng mua bán: mọi tổ chức, cá nhân đầy đủ năng lực, có nhu cầu mua bán tài sản đều có thể là chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản.
- Hợp đồng gia công: bên nhận gia công và bên đặt gia công. Bên nhận gia công phải là thương nhân có đăng ký kinh doanh để thực hiện hoạt động gia công, còn bên đặt gia công có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
4. Hình thức:
- Hợp đồng mua bán: có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản, ví dụ như HĐ mua bán hàng hóa quốc tế- phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, telex, fax hay thông điệp dữ liệu.Có thể đa dạng với nhiều hình thức tùy thuộc vào đối tượng, chủ thể và mục đích trong hợp đồng mua bán tài sản.
- Hợp đồng gia công: phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
5. Nội dung:
- Hợp đồng mua bán: các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. VD: nội dung của HĐ mua bán hàng hóa là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Hợp đồng gia công: các điều khoản do các bên thỏa thuận, quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng gia công.
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá quy định thế nào?
Căn cứ Điều 24 Luật thương mại 2005 quy định về hình thức như sau:
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá
1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật