Được can đánh nhau trong trường hợp nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp một người vì chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật, vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên được xem là phòng vệ chính đáng. Hành vi này không bị xem là vi phạm pháp luật, không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Bộ luật Hình sự 1999 đều quy định rõ: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên”.
Theo khoản 2 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 1 Điều 15 Bộ luật Hình sự 1999 cũng quy định phòng vệ chính đáng không được coi là tội phạm.
Khoản 1 Điều 613 Bộ luật Dân sự 2005 quy định người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Nếu thấy một thanh niên túm tóc, tát phụ nữ hoặc có hành vi khác xâm phạm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc quyền và lợi hợp pháp của cô này, người chứng kiến có thể can ngăn, chống trả một cách cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân. Trường hợp này có thể coi là phòng vệ chính đáng và không bị xử lý.
Nói tóm lại, bạn có thể can ngăn, chống trả các hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý hành vi can ngăn, chống trả phải được thực hiện một cách cần thiết với hành vi vi phạm pháp luật đang diễn ra.
Nếu hành vi can ngăn, chống trả vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại) thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Thư Viện Pháp Luật