Làm giả nhãn hiệu mỹ phẩm bị xử phạt như thế nào?
Trong trường hợp này, việc mua mỹ phẩm, tinh dầu từ nơi khác sau đó chiết ra chai lọ dung tích nhỏ hơn và dán nhãn một thương hiệu khác được xem là hành vi vi phạm về ghi nhãn trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa. Theo đó, Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 25. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa;
c) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo;
d) Hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa.
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từtrên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định đối với vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Cụ thể, Điều 18 Thông tư 19/2014/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
1. Hành vi vi phạm về ghi nhãn trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán sản phẩm, hàng hóa không thực hiện ghi nhãn theo quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 89/2006/NĐ-CP).
2. Một số điểm cần lưu ý khi áp dụng Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP để xử phạt:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất (bao gồm cả chế biến, lắp ráp, đóng gói, gia công) sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng không ghi nhãn theo quy định hoặc không có nhãn hoặc có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được toàn bộ hoặc một phần các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệnh thông tin về hàng hóa;
Như vậy, hành vi của bạn là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, cụ thể là đóng gói sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam và để tiêu thụ trong nước nhưng lại bị sữa chữa về nhãn gốc làm sai lệch thông tin về hàng hóa. Và tùy thuộc vào giá trị hàng hóa bị vi phạm thì sẽ xác định mức tiền phạt cụ thể theo quy định tại Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn về xử phạt hành vi làm giả nhãn hiệu mỹ phẩm. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 80/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật