Về việc chấm dứt hợp đồng làm giám đốc công ty cổ phần?

Tôi xin được hỏi về cách xử lý trong trường hợp cụ thể sau: Tháng 12/2011 tôi được thuê làm giám đốc Công Ty Cổ Phần A, Giấy phép kinh doanh số: XXXXXXXX với thời hạn hợp đồng 1 năm. Sau nửa năm công ty mở ra và không có các hoạt động kinh doanh gì, các cổ đông sáng lập (người thuê tôi) vướng vào nợ nần tại công ty khác và bỏ trốn. Tôi mất liên lạc với chủ tịch hội đồng quản trị là ông S, hiện đang đứng pháp danh tại Công ty CP đầu tư NH - MST XXXXXXX. - Hiện tại Công ty tôi đứng tên đã bị treo không hoạt động còn tôi không có cách nào bỏ được chức danh giám đốc để tiến hành lập doanh nghiệp khác. Vậy xin hỏi Ban biên tập Thư Ký Luật cách xử lý cho vấn đề này ra sao để đảm bảo quyền lợi của tôi và tránh những phiền toái của pháp luật? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo như bạn trình bày, bạn được thuê làm giám đốc công ty cổ phần với thời hạn 1 năm, hiện tại công ty bạn đứng tên đã bị treo không còn hoạt động, bạn muốn từ bỏ chức danh giám đốc để tiến hành thành lập doanh nghiệp khác thì bạn phải thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng thuê với công ty.

Căn cứ điểm i) Khoản 2 Điều 149 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

"2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

...

i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định, tiền lương và quyền lợi khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;"

Theo quy định trên, Hội đồng quản trị có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. 

Điều 153 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về cuộc họp Hội đồng quản trị như sau:

"...

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Có đề nghị của Ban kiểm soát hoặc thành viên độc lập;

b) Có đề nghị của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc ít nhất 05 người quản lý khác;

c) Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của Hội đồng quản trị;

d) Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Đề nghị phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ mục đích, vấn đề cần thảo luận và quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

5. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp Chủ tịch không triệu tập họp Hội đồng quản trị theo đề nghị thì Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với công ty; người đề nghị có quyền thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị"

Với danh nghĩa là Giám đốc công ty, bạn có quyền yêu cầu đề nghị họp Hội đồng thành viên bằng văn bản nêu rõ mục đích, vấn đề cần thảo luận. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị.

Như bạn trình bày, hiện tại bạn đã mất liên lạc với Chủ tịch Hội đồng quản trị và các cổ đông sáng lập đã bỏ trốn. Tuy nhiên, với loại hình công ty cổ phần, bạn là người có quyền thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị theo đúng trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 153 và Điều 154 Luật doanh nghiệp 2014 trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Như vậy, để chấm dứt hợp đồng ủy quyền giữa bạn và công ty, bạn nên triệu tập họp Hội đồng quản trị để chấm dứt hợp đồng.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc chấm dứt hợp đồng làm giám đốc công ty cổ phần. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật doanh nghiệp 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giám đốc công ty cổ phần

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào