Điều kiện kinh doanh xuất khẩu lao động
Căn cứ Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về một trong những nội dung sau đây:
- Thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
- Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;
- Thay đổi những nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn muốn đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh là xuất khẩu lao động thì công ty bạn phải thực hiện thủ tục thông báo tới Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh nơi công ty bạn có trụ sở.
Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về thông báo bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh như sau:
+) Cơ quan có thẩm quyền: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.
+) Nội dung thông báo gồm:
- Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
- Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,
Kèm theo Thông báo phải có Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổphần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.
+) Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, bổ sung, thay đổi thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
+) Trường hợp hồ sơ thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
+) Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Như vậy, đối với trường hợp công ty bạn thực hiện bổ sung ngành nghề kinh doanh thì công ty bạn cần làm thủ tục quy định tại Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư 2014, việc kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó, khi bổ sung ngành nghề kinh doanh này, công ty bạn cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 126/2007/NĐ-CP như sau:
- Loại hình doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 2 Nghị định 126/2007/NĐ-CP: Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, các nhân Việt Nam.
- Vốn pháp định của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 126/2007/NĐ-CP: Vốn pháp định của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 5 tỷ đồng.
- Nội dung đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2007/NĐ-CP: Đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thê hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có trình độ và kinh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 126/2007/NĐ-CP:
+ Mức tiền ký quỹ là một tỷ đồng.
+ Doanh nghiệp ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Theo đó, nếu công ty của bạn muốn bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh là đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) thì công ty bạn phải đáp ứng được các điều kiện trên.
Đối với việc liên danh công ty, công ty của bạn có thể liên kết với công ty Việt Nam hoặc công ty cổ phần vừa có vốn nước ngoài vừa Việt Nam để cùng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên với từng ngành nghề kinh doanh sẽ có điều kiện kinh doanh khác nhau do đó nếu muốn kinh doanh thì bạn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh của ngành nghề đó.
Trên đây là tư vấn về điều kiện kinh doanh xuất khẩu lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật doanh nghiệp 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật