Đòi lại số tiền mua bán hàng hóa qua mạng không đúng yêu cầu
Theo như bạn trình bày, ngày 10/2/2016 bạn đặt mua một chiếc điện thoại Samsung note 5 qua mạng với số tiền là 16 triệu đồng và bạn đã thanh toán chuyển khoản cho cửa hàng đầy đủ số tiền đó. Ngày 12/2/2016 bạn nhận được điện thoại, tuy nhiên do bạn không biết về điện thoại nên đã lấy hàng và ký giấy nhận. Trong giấy nhận có nội dung ghi là kiểm tra kỹ hàng, sau khi nhận hàng họ sẽ không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đó lại không phải là điện thoại bạn đặt mua, mà lại là một điện thoại Samsung note 3 có giá trị rẻ hơn khoảng 10 triệu (theo bạn trình bày).
Trong trường hợp này vì giao dịch giữa bạn và cửa hàng là 16 triệu đồng nên người bán có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo đó, để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi vi phạm phải đáp ứng các yếu tố “dùng thủ đoạn gian dối” và “ chiếm đoạt tài sản của người khác”. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật. Hành vi đó có thể bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động, bằng nhiều hình thức khác nhau như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch một cách trái phép tài sản của người khác thành của mình. Giá trị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Đặc biệt việc chiếm đoạt này gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Thời điểm hoàn thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định từ lúc người phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho người phạm tội.
Từ đó có thể thấy, trường hợp của bạn vì bạn mua hàng qua mạng qua hình thức thanh toán trước qua tài khoản nên chủ cửa hàng điện thoại có thể dùng thủ đoạn gian dối để giao hàng không đúng như thỏa thuận nhằm chiếm đoạt giá trị chênh lệch giữa hai sản phẩm (điện thoại Samsung note 5 giá 16 triệu còn điện thoại Samsung note 3 giá khoảng 6 triệu). Vì chủ cửa hàng đã nhận tiền trước sau đó mới giao hàng nên có thể hiểu thời điểm bạn nhận hàng không đúng như thỏa thuận là thời điểm cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó,bạn có thể trình báo ra cơ quan công an để họ giải quyết quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, bạn phải có đủ bằng chứng chứng minh việc mua bán giữa hai bên qua: hóa đơn chuyển khoản qua ngân hàng, liên lạc qua điện thoại, tin nhắn qua mạng, qua điện thoại,…và bạn phải chứng minh được hành vi giao hàng không đúng theo thỏa thuận nhằm chiếm đoạt tài sản: dựa vào thỏa thuận mua điện thoại Samsung note 5, hóa đơn chuyển khoản với chiếc điện thoại note 3 nếu có gắn tem của của hàng đó trên bin điện thoại hoặc ở mặt sau, phía trong của điện thoại…
Ngoài ra, bản chất của hành vi mua hàng qua mạng là giao dịch dân sự. Cụ thể giữa bạn và cửa hàng đã xác lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mua bán tài sản theo Điều 428 Bộ luật dân sự 2005: “Hợp đồng mua bán tài sàn là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.”
Việc thực hiện hợp đồng dân sự phải theo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 412 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;
2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”
Trường hợp của bạn có thể thấy, bạn đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng thỏa thuận nhưng bên bán không thực hiện nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Cụ thể là giao vật không đúng chủng loại. Tại Điều 437 Bộ luật dân sự quy định như sau:
“Điều 437. Trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại
Trong trường hợp vật được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thoả thuận;
2. Yêu cầu giao đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Trong trường hợp của bạn, có thể tại thời điểm bên bán giao hàng bạn đã ký và nhận hàng nhưng bạn không hề biết chiếc điện thoại đó không phải là chiếc điện thoại như đã thỏa thuận và sau đó phát hiện điện thoại đó không phải là loại điện thoại mua như đã thỏa thuận nên bạn có thể gọi điện hoặc trực tiếp thương lương với bên bán để hai bên tìm cách giải quyết, Nếu bên bán không đồng ý thương lượng thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp quận, huyện nơi cửa hàng đang hoạt động.
Do đó, khi gửi đơn khởi kiện bạn phải kèm theo những chứng cứ chứng minh theo khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định hình thức, nội dung đơn khởi kiện:
“5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”
Trong trường hợp bạn không đưa ra được bất cứ căn cứ chứng minh việc bên bán giao không đúng hàng cho bạn thì bạn rất khó lấy lại được số tiền.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đòi lại số tiền mua bán hàng hóa qua mạng không đúng yêu cầu. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật