Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích?

Bố em bị người khác cố ý gây thương tích, theo chẩn đoán của bệnh viện là bị vỡ lún xương sọ (do dùng búa đánh), phải khâu khoảng 2 - 3cm. Và bị bỏng cổ, ngực, 2 tay (bỏng độ 2). Do bị hắt nước lẩu sôi vào người. Vậy cho em hỏi tỉ lệ thương tật là khoảng bao nhiêu và nếu khởi tố hình sự thì sẽ bị giam bao nhiêu lâu ạ? (có đầy đủ nhân chứng và camera quay lại hiện trường). Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 thì:

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Việc giám định tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu.

Trong trường hợp của bạn, tỷ lệ thương tích cụ thể được tuân theo kết quả giám định thương tật do tổ chức giám định xác nhận cụ thể. 

Với thương tích của bố bạn là vỡ lún xương sọ; bỏng cổ, ngực và hai tay thì theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH thì tỷ lệ thương tật được xác nhận nằm trong khoảng:

+ Tổn thương xương xọ: tỷ lệ tổn thương thấp nhất là 6-10%. 

+ Bỏng hai tay, cổ, ngực tạo thành sẹo sẹo vùng mặt, cổ diện tích từ 1,5% đến 3% diện tích cơ thể : tỷ lệ thương tật từ 11-15%.

Như thế, tổng tỷ lệ thương tật nằm trong khoảng từ 17%- 25%. Tỷ lệ cụ thể do tổ chức giám định xác định.

Căn cứ khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội cố ý gây thương tích như sau: 

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

- Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

- Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

- Phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc đối với nhiều người;

- Đối với trẻ em,phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

- Có tổ chức;

- Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

- Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

- Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

- Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

Trong trường hợp này,người gây thương tích cho bố bạn có hành vi dùng búa đánh vào đầu bố bạn (sử dụng hung khí nguy hiểm) và gây ra tỷ lệ thương tật là 17-25% nên người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999. Khung hình phạt đối với tội này là từ 2 năm đến 7 năm. Mức hình phạt cụ thể do Tòa án quyết định.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào