Quyền yêu cầu thanh toán của công ty tài chính đối với khách hàng vi phạm thời hạn hoàn trả
Theo như thông tin bạn cung cấp, thì bạn đã thực hiện một giao dịch vay tài sản với công ty và trả nợ dưới hình thức trả góp, sau đó vì không có đủ điều kiện trả nợ sau khi thất nghiệp, bạn không thể trả nợ đúng hạn cho công ty, trong trường hợp này đối chiếu với hành vi của bạn thì chưa có yếu tố nào có thể cấu thành tội hình sự, cụ thể là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 thì:
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Như vậy, để cấu thành nên tội phạm này cần có những yếu tố nhất định:
- Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách thức như được quy định tại Khoản 1 điều 140 như trên với mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, trong khi đó bạn không hề có ý định hay thủ đoạn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả góp của mình với công ty.
- Việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ của bạn đối với công ty, bạn vì lý do thất nghiệp không có thu nhập mà không thể trả được công ty trong vòng 4 kỳ nhưng nếu bạn vẫn có ý chí trả tiền tiếp, có nghĩa là đang thực hiện nghĩa vụ đối với công ty thì vẫn chưa đủ căn cứ để cấu thành tội phạm. Do vậy trong trường hợp của bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi trả không đúng hạn của mình.
Theo quy định tại Điều 438 Bộ luật dân sự 2005:
1. Bên mua phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.
2. Bên mua phải trả lãi, kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Vì vậy để giải quyết vấn đề, bạn nên trình bày tình hình và lý do của mình và thương lượng với công ty về việc bạn sẽ tiếp tục trả góp dần dần kèm theo tiền lãi của số tiền nợ quá hạn, cũng như bồi thường thiệt hại xảy ra (nếu có) trong thời gian sớm nhất.
Trong trường hợp thanh toán trễ hạn và không tiến hành báo cho công ty sớm nhất, có thể bạn sẽ bị khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự vì hành vi trả tiền của bạn đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của công ty. Công ty có quyền khởi kiện bạn ra Tòa án nơi bạn cư trú để đòi lại quyền lợi của họ, báo về gia đình thông báo về khoản vay của bạn chỉ là một hình thức để bạn nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ của mình, trong trường hợp này, bạn phải thanh toán toàn bộ tiền nợ gốc, nợ lãi, nợ phạt một lần. Ngoài ra, bạn còn phải chịu tiền án phí và lệ phí thi hành án nếu không chấp hành bản án của tòa và vụ việc được đưa sang cơ quan thi hành án.
Nếu như công ty có những hành vi như đe dọa gia đình bạn hoặc tự ý lấy đi tài sản trong gia đình bạn thì đó là hình thức đòi tài sản trái pháp luật có thể bị phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999.
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền yêu cầu thanh toán của công ty tài chính đối với khách hàng vi phạm thời hạn hoàn trả. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật