Xử lý khi đánh nhau rút dao tự vệ đâm chết người
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) về phòng vệ chính đáng:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự."
Do không rõ tình huống cụ thể của người có hành vi phạm tội ra sao nên khó có thể xác định được trong trường hợp này có phải là phòng vệ chính đáng hay không, nếu mục đích tự vệ và hành vi chống trả là cần thiết phù hợp với cường độ tấn công thì có thể coi là phòng vệ chính đáng, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Tuy nhiên, nếu là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng hay mục đích không phải là phòng vệ thì có thể xác định là tội giết người (Điều 93 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009) hoặc tội giết người do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng (Điều 96 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009):
"Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
...".
"Điều 96. Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm."
Về mức án có thể căn cứ vào hành vi cụ thể mà người này thực hiện mà có thể xác định được mức án cụ thể là bao nhiêu. Đồng thời còn xét tới các tình tiết có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 46 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung 2009):
"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
..."
Ngoài ra, nếu muốn thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi thì tốt nhất nên có yêu cầu ngay từ khi người này bị tạm giam vì khi đó sẽ có thể chuẩn bị một cách sớm nhất việc thu thập tài liệu chứng cứ để bào chữa, và luật sư sẽ được tham gia vào trực tiếp vào việc bảo vệ quyền lợi của người phạm tội ngay sau khi cơ quan điều tra có quyết định khởi tố vụ án và người phạm tội có tư cách bị can thì sẽ có quyền tự mình bào chữa hoăc mời luật sư bào chữa (Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi đánh nhau rút dao tự vệ đâm chết người. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật