Trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản trong gia đình
Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định:
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Ngoài ra trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 quy định:
Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại
1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy trong trường hợp này ba của bạn đã có hành vi trộm số tiền 5 triệu của bà nội, sau đó bà nội báo lên cơ quan công an, như vậy kể từ khi nhận được thông tin tố giác tội phạm cơ quan điều tra phải có nghĩa vụ điều tra xác minh tội phạm đã xảy ra.
Trên thực tế, ba của bạn trộm số tiền trị giá 5 triệu đồng đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 và tội này theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 không thuộc những tội chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, có nghĩa là bà của bạn ở đây là người bị hại tuy đã viết đơn bãi nại và yêu cầu không khởi tố nhưng tội phạm mà ba bạn phạm phải thuộc trường hợp bị khởi tố khi cơ quan điều tra xác minh được tội phạm và không phụ thuộc vào việc người bị hại viết đơn bãi nại và yêu cầu không khởi tố.
Trên đây là tư vấn về trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản trong gia đình. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật