Thủ tục xóa án tích khi có hai bản án như thế nào?
Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận. Các trường hợp được xóa án tích như sau:
Thứ nhất, Đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 64. Đương nhiên được xoá án tích
Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.”
Thứ hai, Xóa án tích theo quyết định của tòa án theo quy định tại Điều 65, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 65. Xoá án tích theo quyết định của Toà án
1. Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp sau đây:
a) Đã bị phạt tù đến ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;
b) Đã bị phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;
c) Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.
2. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích.”
Hoặc trường hợp đặc biệt được xóa án tích theo quy định tại Điều 66, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 66. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Toà án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.”
Trường hợp của anh thì anh không nêu rõ cụ thể từng tội mà anh đã vi phạm nên không thể xác định cụ thể thời gian được xóa án tích cho anh. Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới ( Khoản 2, Điều 67, Bộ luật hình sự 1999).
Đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích, khi anh đã đủ thơi hạn được xóa án tích thì anh sẽ thực hiện thủ tục xóa án tích như sau:
Hồ sơ xóa án tích:
+ Đơn xin xóa án tích
+ Các tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp; giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khỏan bồi thường, án phí, tiền phạt; giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp.
+ Bản sao hộ khẩu;
+ Bản sao chứng minh nhân dân.
- Trong trường hợp đặc biệt, ngoài các lọai tài liệu như trên, phải có văn bản đề nghị của chính quyền, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án thường trú, công tác.
Trình tự thực hiện: Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện).
Thẩm quyền giải quyết: Tòa án đã xét xử sơ thẩm là Tòa án có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích, hoặc ra Quyết định xóa án tích.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục xóa án tích khi có hai bản án. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự năm 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật