Xử lý trường hợp tạm giữ phương tiện tài sản của người vi phạm
- Căn cứ Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về vật chứng như sau:
"Điều 74. Vật chứng
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội."
- Căn cứ Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét như sau:
"Điều 145. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét
Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ."
Trong trường có căn cứ nghi ngờ đồ vật là vật chứng của một vụ án thì cơ quan công an có quyền tạm giữ để phục vụ công tác điều tra vụ án.Tuy nhiên, việc tạm giữ phải được tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến. Ngoài ra, việc tạm giữ đồ vật phải được lập biên bản giao cho người chủ đồ vật.
Trong trường hợp của bạn, khi bạn bị tạm giữ phương tiện vì phía cơ quan công an có nghi ngờ chiếc xe liên quan đến vụ án thì việc tạm giữ phải được tiến hành theo thủ tục nêu trên.
- Căn cứ Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về xử lý vật chứng như sau:
"Điều 76. Xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự."
Theo Khoản 3 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nêu trên thì vật chứng bị tạm giữ được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Trong trường hợp của bạn, bạn mang biên bản tạm giữ xe cùng với giấy tờ xe lên cơ quan công an có thẩm quyền để lấy lại tài sản bị thu giữ. Trong trường hợp phía cơ quan công an không trả lại xe cho bạn thì bạn có thể làm đơn yêu cầu trả lại xe cho bạn gửi lên cơ quan công an có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý trường hợp tạm giữ phương tiện tài sản của người vi phạm. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật