Hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân bị mua bán

Việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân bị mua bán được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu? Tôi đang sống ở một vùng gần biên giới Việt - Lào nên tình trạng mua bán người ở chỗ tôi diễn ra rất nghiêm trọng.Tôi muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp: việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân bị mua bán được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn. Tôi tên là Huy Phương, email của tôi là phu**@gmail.com.

Việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân bị mua bán đã được quy định cụ thể tại Điều 37 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

Theo đó, việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân bị mua bán được quy định như sau:

1. Nạn nhân là người chưa thành niên thuộc hộ nghèo, nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên.

2. Nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được xem xét hỗ trợ học nghề.

Ngoài ra, Điều 23 Nghị định 09/2013/NĐ-CP còn quy định:1. Đối tượng hỗ trợ gồm nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam. 

2. Chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu gồm: 

a) Nạn nhân thuộc hộ nghèo được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật hiện hành; 

b) Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương; 

c) Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức do Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. 

3. Thủ tục thực hiện chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân được quy định như sau: 

a) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ của nạn nhân hoặc của gia đình nạn nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đề nghị hỗ trợ là nạn nhân; 

b) Trình tự và thời hạn giải quyết: 

Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân làm đơn gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. 

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. 

Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. 

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân bị mua bán. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào