Cơ quan giữ tiền khi lao động nghỉ việc có đúng không?
- Căn cứ Điều 372 và Điều 372 Bộ luật dân sự năm 2005 về tín chấp như sau:
"Điều 372. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội
Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ."
"Điều 373. Hình thức bảo đảm bằng tín chấp
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm."
Về việc bạn vay tín chấp của ngân hàng với khoản tiền 50 triệu đồng thì việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay. Trong đó, bạn có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ dân sự theo thỏa thuận trong hợp đồng về thời hạn trả số tiền vay và các nghĩa vụ khác có liên quan trong hợp đồng.
- Căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
"Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán."
Như vậy, việc cơ quan của bạn không chi trả khoản tiền trợ cấp sau khi nghỉ việc của bạn mà yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng sau đó mới chi trả là không đúng. Căn cứ Khoản 3 Điều Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 nêu trên, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải chi trả khoản tiền bồi thường và tiền trợ cấp cho người lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, hợp đông vay tín chấp của bạn với ngân hàng không có bên thứ ba bảo đảm, tức cơ quan của bạn không phải là tổ chức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bạn với ngân hàng. Do đó, việc cơ quan không chi trả cho bạn khoản tiền trợ cấp sau khi bạn nghỉ việc là không đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc cơ quan giữ tiền của người lao động khi nghỉ việc. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự năm 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật