Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong tố tụng hình sự được Nhà nước bồi thường

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong tố tụng hình sự được Nhà nước bồi thường khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra được quy định như thế nào? Em đang nghiên cứu về vấn đề này nên rất quan tâm. Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp em. Xin cám ơn! Nguyễn Thị Hạnh Lam, Tp.HCM (SĐT: 0989***)

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong tố tụng hình sự được Nhà nước bồi thường khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra được quy định tại Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT, theo đó: 

1. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật TNBTCNN hoặc trong thời gian bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn (bao gồm cả trường hợp thi hành hình phạt ngoài phạt tù) quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật TNBTCNN được xác định như sau: 

a) Một ngày lương tối thiểu được xác định bằng việc lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường chia cho 22 là số ngày làm việc bình quân của mỗi tháng; 

Ví dụ: Tại thời điểm ban hành Thông tư liên tịch này thì mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định là 830.000 đồng, do đó một ngày lương tối thiểu sẽ là: 830.000 đồng : 22 = 37.723 đồng.

b) Thời gian để tính bồi thường thiệt hại được xác định kể từ ngày người bị thiệt hại bị tạm giữ hoặc bị khởi tố bị can cho đến ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN và hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch này. Trong đó phải xác định cụ thể số ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù và số ngày được tại ngoại. 

Ví dụ 1: Ông A bị tạm giữ và bị khởi tố bị can từ ngày 01/12/2009; hết thời hạn tạm giữ, ông A tiếp tục bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Đến ngày 01/3/2010 thì ông A được tại ngoại. Ngày 20/3/2010, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông A với lý do ông A không thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp này, xác định thiệt hại do tổn thất về tinh thần mà ông A được bồi thường như sau: 

- Số ngày thực tế bị tạm giữ, tạm giam là: 31 ngày (của tháng 12/2009) + 31 ngày (của tháng 01/2010) + 29 ngày của tháng 02/2010 = 91 ngày; 

- Số ngày không bị tạm giữ, tạm giam (tại ngoại) được bồi thường là 20 ngày (từ ngày 1/3/2010 đến 20/3/2010); 

- Số ngày được bồi thường tính theo mức lương tối thiểu là: (91 ngày x 3) + 20 ngày = 293 ngày;

Trong ví dụ này, số tiền mà ông A được Nhà nước bồi thường là: 293 ngày x 37.723 đồng = 10.920.989 đồng. 

Ví dụ 2: Ông B bị tạm giữ từ ngày 01/01/2010, Cơ quan điều tra đã 2 lần gia hạn tạm giữ, lần 1 vào ngày 03/01/2010, lần 2 vào ngày 06/01/2010 (Viện kiểm sát đã quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ). Đến ngày 07/01/2010, Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm giữ và Cơ quan điều tra đã trả tự do cho ông B vì không đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với ông B. Trong trường hợp này, xác định thiệt hại do tổn thất về tinh thần mà ông B được bồi thường như sau: 

- Số ngày thực tế ông B bị tạm giữ là: 8 ngày; 

- Số ngày được bồi thường tính theo mức lương tối thiểu là: 8 x 3 = 24 ngày; 

- Số tiền ông B được Nhà nước bồi thường là: 24 ngày x 37.723 đồng = 905.352 đồng. 

Ví dụ 3. Ông C bị khởi tố bị can (nhưng không bị tạm giữ, tạm giam) từ ngày 01/01/2010. Đến ngày 20/3/2010, Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông C với lý do ông C không thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp này, xác định thiệt hại do tổn thất về tinh thần mà ông C được bồi thường như sau: 

- Số ngày ông C được bồi thường là: 80 ngày (31 ngày của tháng 01/2010 + 29 ngày của tháng 02/2010 + 20 ngày của tháng 3/2010); 

- Số tiền ông C được Nhà nước bồi thường là: 80 ngày x 37.723 đồng = 3.017.840 đồng. 

2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật TNBTCNN được xác định như sau: 

a) Trường hợp người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù mà không phải do lỗi của chính họ hoặc không do sự kiện bất khả kháng thì được bồi thường thiệt hại là ba trăm sáu mươi tháng lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trong trường hợp này, không được tính thêm khoản tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 47 Luật TNBTCNN và theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này; 

b) Trường hợp người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù mà do lỗi của chính họ hoặc do sự kiện bất khả kháng thì không được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật TNBTCNN mà chỉ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật TNBTCNN và theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này; 

c) Khoản tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là khoản tiền bồi thường chung cho thân nhân của người bị thiệt hại (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại). Những người được bồi thường trong trường hợp này phải còn sống tại thời điểm người bị thiệt hại chết. 

3. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần được bồi thường là khoản thiệt hại được xác định ngoài những thiệt hại quy định tại các điều 45, 46, 48 và 49 Luật TNBTCNN.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong tố tụng hình sự được Nhà nước bồi thường khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra , được quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009. Bạn vui lòng tham các khảo văn bản trên để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào