Điều kiện trở thành doanh nghiệp chế xuất

Chúng tôi là doanh nghiệp 100% vốn Đầu tư nước ngoài, có trụ sở nằm ở KKT, được BQL KKT cấp Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp là thực hiện trồng rừng và chế biến gỗ dăm, 100% sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu. Hiện nay, Doanh nghiệp muốn thu mua nguyên liệu từ thị trường nội địa để xuất khẩu. Vậy xin hỏi, Doanh nghiệp có được coi là doanh nghiệp chế xuất ko? Doanh nghiệp có phải thực hiện bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh để thực hiện việc mua nguyên liệu từ thị trường nội địa hay không hay đương nhiên doanh nghiệp được phép mua? Người hỏi - exa****@gmail.com -

Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT quy định doanh nghiệp chế xuất được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.

Doanh nghiệp chế xuất cần đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP như được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào; thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo pháp luật về hải quan; quan hệ trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam (trừ khu phi thuế quan) là quan hệ xuất, nhập khẩu...

Các Giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý KKT cấp cho Công ty không quy định Công ty là doanh nghiệp chế xuất. Do vậy, nếu có nhu cầu chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất, Công ty cần thực hiện các thủ tục theo quy định của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, các quy định của pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư vào kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đề nghị bổ sung kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu mà không kinh doanh phân phối hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư căn cứ vào lộ trình mở cửa thị trường trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, cấp hoặc bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư, không cần chấp thuận của Bộ Công Thương.

Căn cứ quy định trên, đối với việc thu mua nguyên liệu từ thị trường nội địa để xuất khẩu, Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh theo quy định.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào