Lương có phải tài sản chung khi chia tài sản vợ chồng?

Bà Nguyễn Thị Hường đang làm việc tại cơ quan nhà nước. Chồng bà Hường là ông Nguyễn Văn Tiến đã bị Tòa án xét xử và phải thi hành án số tiền 18.000.000đ. Sau khi xác minh điều kiện thi hành án, do ông Tiến không có tài sản riêng, không có thu nhập nên cán bộ thi hành án yêu cầu xác minh lương của bà Nguyễn Thị Hường với lý do lương của vợ, chồng được coi là tài sản chung hợp nhất trong thời kỳ hôn nhân nên xác định lương của bà Hường để làm cơ sở xác minh tài sản chung của ông Tiến và bà Hường trong việc giải quyết thi hành án. Lập luận của cơ quan thi hành án có đúng không và nếu bà Hường có thu nhập cao thì có bị khấu trừ để trừ vào nghĩa vụ thi hành án của ông Tiến hay không?

Việc xác định tài sản chung của vợ chồng thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó,

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Thu nhập từ việc hưởng lương của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân tồn tại theo quy định nêu trên là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, khoản tiền lương của vợ hoặc chồng trở thành tài sản chung của vợ chồng phải xác định kể từ thời điểm vợ hoặc chồng nhận được lương (tức là khoản tiền lương thực nhận tính đến thời điểm mà họ có được). Vì thế, khi có khoản tiền này thì Chấp hành viên mới có cơ sở xác định phần tài sản tài riêng của vợ, chồng.

Việc xác định tài sản riêng của vợ, chồng phải tuân thủ quy định Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008. Theo đó, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Đối với tài sản chung chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án. Do vậy, khi vợ, chồng chưa nhận lương thì chưa có cơ sở xác định phần tài sản của vợ, chồng trong khoản lương đó. Tuy vậy, cơ quan thi hành án xác minh lương của bà Hường để có cơ sở xác định đầy đủ, chính xác tài sản chung của vợ chồng ông Tiến, bà Hường là cần thiết.

Pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay chỉ quy định biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (trong đó có thu nhập từ lương của người phải thi hành án) mà không quy định cưỡng chế trừ vào thu nhập của vợ hoặc chồng của người phải thi hành án. Vì thế, không có cơ sở để Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào lương của vợ hoặc chồng không phải là người phải thi hành án.

Vì vậy, trường hợp ông Tiến, bà Hường nêu trên Chấp hành viên không áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của bà Hường vì bà Hường không phải là người phải thi hành án. Tuy nhiên, nếu bà Hường có thu nhập từ hưởng lương cao thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khác (thu tiền của người phải thi hành án đang do người khác giữ hoặc biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.v.v) nếu xác định được phần tài sản của ông Tiến trong khối tài sản của vợ chồng ông Tiến, bà Hường có được từ thu nhập của bà Hường.

Trên đây là tư vấn về tài sản chung trong quan hệ vợ chồng. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào