Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong phòng, chống khủng bố

Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong phòng, chống khủng bố được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Trần Hoài Thương, email của tôi là thuong***@gmail.com. Gần đây, tôi đọc tin tức trên mạng thấy có rất nhiều vụ khủng bố ở các nước trên thế giới và theo đó là sự hợp tác của các quốc gia trong chống khủng bố. Tôi muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp: Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong phòng, chống khủng bố được quy định ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn.

Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong phòng, chống khủng bố đã được quy định cụ thể tại  Điều 42 Luật Phòng, chống khủng bố 2013.

Theo đó, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trong phòng, chống khủng bố như sau:

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện hoạt động phòng, chống khủng bố theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền sẵn sàng tham gia phòng, chống khủng bố theo quyết định huy động của người có thẩm quyền.

3. Chỉ đạo người đứng đầu cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện phòng, chống khủng bố.

4. Phối hợp với Bộ Công an xây dựng và tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án phòng, chống khủng bố.

5. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương có trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam xây dựng phương án bảo vệ, phương án xử lý các tình huống khi có khủng bố xảy ra.

6. Phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ an toàn các đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan quản lý, hướng dẫn hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài khi có hoạt động khủng bố xảy ra.

7. Phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự tại Việt Nam của nước có nguy cơ bị khủng bố cao để trao đổi thông tin, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xây dựng, huấn luyện, diễn tập các tình huống phòng, chống khủng bố.

8. Phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan khác trong hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, tham gia đàm phán, ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống khủng bố.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong phòng, chống khủng bố. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phòng, chống khủng bố 2013.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Ngoại giao

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào