Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2010), theo đó:
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;
b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
Nội dung này còn được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BTP-BQP, cụ thể:
1. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ ra quyết định hoặc tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 của Luật chỉ phát sinh khi có đủ các căn cứ sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;
b) Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 của Luật;
c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;
d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
2. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ không ra quyết định hoặc không tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 của Luật chỉ phát sinh khi có đủ các căn cứ sau đây:
a) Các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có lỗi cố ý của người thi hành công vụ.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, được quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật