Quan hệ công tác của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Quan hệ công tác của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang học văn bằng 2 về luật. Tôi có một câu hỏi mong được Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Quan hệ công tác của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về điều này? Xin chân thành cám ơn! Kim Linh (kimlinh***@gmail.com)

Quan hệ công tác của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định tại Điều 10 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 138/2016/NĐ-CP như sau:

1. Hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

2. Kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do bộ, cơ quan đó ban hành trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nướccấp trên hoặc của bộ cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ cơ quan khác phải lấy ý kiến của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đó.

a) Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, nếu pháp luật quy định thời hạn lấy ý kiến và trả lời ý kiến đối với công việc đó thì bộ, cơ quan lấy ý kiến ghi rõ thời hạn trả lời theo quy định. Nếu pháp luật chưa quy định thời hạn lấy ý kiến thì tùy tính chất của nội dung lấy ý kiến, bộ, cơ quan lấy ý kiến ghi rõ thời hạn trả lời nhưng không ít hơn 07 ngày kể từ ngày gửi văn bản, trừ trường hợp xử lý gấp những vấn đề đột xuất, cấp bách;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời rõ ý kiến bằng văn bản trong thời hạn bộ, cơ quan lấy ý kiến đề nghị và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời. Nếu quá thời hạn mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời bằng văn bản thìđược coi là đồng ý với nội dung xin ý kiến, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ, cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ về trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan không trả lời hoặc chậm trả lời;

c) Trường hợp chưa có ý kiến trả lời của bộ, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trực tiếp về nội dung lấy ý kiến thì bộ, cơ quan lấy ý kiến đôn đốc bộ, cơ quan đó phải có ý kiến trả lời để hoàn chỉnh hồ sơ trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nếu bộ, cơ quan được lấy ý kiến vẫn không trả lời theo đề nghị thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm b khoản này.

d) Khi được mời họp để lấy ý kiến, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải có trách nhiệm dự họp hoặc cử người có đủ thẩm quyền dự họp thay. Ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của bộ, cơ quan.

Trên đây là quy định về quan hệ công tác của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại 138/2016/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào