Nuôi con nuôi không báo với chính quyền địa phương có vi phạm pháp luật?
Theo các thông tin do bạn cung cấp, việc anh chị bạn nhận nuôi đứa trẻ mà mẹ đẻ của trẻ không thể có điều kiện chăm sóc cháu (là sinh viên và có con ngoài giá thú) là hành động tốt đẹp, đã kịp thời mang đến mái ấm và điều kiện sống tốt cho trẻ. Tuy nhiên, về mặt pháp luật, việc nhận nuôi trẻ mà không báo với chính quyền địa phương, chưa làm đăng ký khai sinh cho trẻ là trái với pháp luật về đăng kí hộ tịch và cư trú,... Vấn đề của bạn đưa ra thuộc trường hợp nuôi con nuôi trên thực tế mà chưa đăng kí theo quy định tại Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010.
Thủ tục giải quyết vấn đề này được quy định tại Mục 4, Chương II Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011.
Theo các quy định này, để được cơ quan có thẩm quyền tiến hành cho đăng kí nuôi con nuôi, anh chị bạn cần phải đáp ứng được các điều kiện về người nhận nuôi con nuôi theo pháp luật về nuôi con nuôi; đồng thời đứa trẻ mà anh chị bạn nhận nuôi cũng phải đáp ứng được điều kiện của người được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
Về hồ sơ đăng kí nuôi con nuôi thực tế: anh chị của bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
Về lệ phí đăng kí nuôi con nuôi: đăng ký con nuôi thực tế được miễn lệ phí đăng kí theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành các thủ tục nhận nuôi con nuôi, anh chị của bạn cần đăng kí khai sinh cho cháu theo các quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014.
Trên đây là tư vấn về thủ tục cho, nhận con nuôi. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 123/2015/NĐ-CP để nắm thêm quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật