Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là giáo viên tiểu học. Tôi cũng hay xem tin tức thười sự và có thắc mắc mong ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi. Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của thành viên Chính phủ là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về điều này? Xin chân thành cám ơn! Đình Quân _ 090989***

Trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định tại Điều 8 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 138/2016/NĐ-CP như sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm cả các công việc được ủy quyền; chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của bộ, cơ quan ngang bộ, bao gồm cả công việc đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.

2. Cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp giải quyết công việc thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ; phân công Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo dõi, chỉ đạo, giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ;

b) Khi vắng mặt và nếu thấy cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy nhiệm một Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lãnh đạo công tác, giải quyết công việc của bộ, cơ quan;

c) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của mình lên Thủ tướng Chính phủ hoặc chuyển cho bộ, cơ quan khác; không giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác, trừ trường hợp theo chỉ đạo, ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ;

d) Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền hoặc tuy đúng thẩm quyền nhưng nội dung phức tạp, có tính liên ngành, đã phối hợp xử lý nhưng vẫn không thống nhất được thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

đ) Tham gia ý kiến tại các cuộc họp, làm việc hoặc trả lời ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

e) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính theo thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công;

g) Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao theo phạm vi lãnh thổ.

h) Các cách thức giải quyết công việc như quy định tại điểm p khoản 2 Điều 5 Quy chế này.

Trên đây là quy định về trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại 138/2016/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cơ quan ngang bộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào